Giai đoạn khi con bước vào cấp 2 thường là lúc cha mẹ bắt đầu có những suy nghĩ mơ hồ rằng “sau này” sẽ cho con đi du học.
Nhưng “sau này” chính xác là bao giờ? Và ngay từ khi có mong muốn ấy, cha mẹ nên bắt đầu làm những gì để chuẩn bị cho hành trình du học sắp tới của con?
Trong bài viết này, MoraNow đưa ra 07 đầu việc cha mẹ cần lần lượt thực hiện, trong thời gian càng sớm càng tốt. Cha mẹ hãy click vào từng bức ảnh để tìm hiểu kĩ hơn nhé!
Ngoài ra, nếu như cha mẹ lo lắng rằng mình sẽ khó “khuyên nhủ” và hướng dẫn con, bởi con ít khi nghe theo lời bố mẹ, thì có thể tìm kiếm thêm những người hướng dẫn con. Những người này có thể là các anh chị cùng thế hệ với con, hơn con một vài tuổi, đã trải qua hành trình nộp hồ sơ du học nên sẽ hiểu và trao đổi cùng con dễ dàng hơn cha mẹ. Nền tảng MoraNow cung cấp thông tin của gần 100 cố vấn – những gương mặt du học sinh Mỹ tại các trường Đại học top đầu – giúp cha mẹ chọn lọc và lựa chọn người phù hợp với con nhất.
Rất nhiều cha mẹ đưa ra quyết định này khi con đã vào học lớp 11 hoặc lớp 12. Con sẽ kịp hoàn thiện thủ tục hồ sơ tại thời điểm này, nhưng toàn bộ quá trình sẽ diễn ra khá nhanh mà không được chuẩn bị một cách thấu đáo nhất.
Tốt hơn hết, quyết định của cha mẹ nên được đưa ra từ khi con lên lớp 9 hoặc vào lớp 10, hoặc thậm chí sớm hơn nữa. Khi ấy, cha mẹ có thời gian tìm hiểu và nghiên cứu, định hướng cho con học ôn các bài thi chuẩn hoá, tham gia hoạt động ngoại khoá để tìm hiểu và khẳng định bản thân, đề ra chiến lược đạt điểm học tập cao và duy trì, nâng cao điểm số qua từng năm học. Chuẩn bị càng kĩ, cơ hội để con xin được học bổng vào các trường danh tiếng sẽ càng cao, và gia đình cũng có thời gian chuẩn bị tài chính thật vững cho giai đoạn “trường kì” phía trước.
Mục đích đi du học khác nhau sẽ dẫn tới việc lựa chọn đất nước và trường Đại học dựa trên các tiêu chí rất khác nhau. Có những cha mẹ mong muốn con mình đi học ở nước ngoài để khám phá, mở mang, học hỏi những nguồn tri thức mới – sau khi học xong sẽ trở lại Việt Nam sống và làm việc. Những cha mẹ khác lại mong muốn con mình đi du học để cải thiện cuộc sống – sau khi học xong sẽ định cư luôn ở nước ngoài.
Nếu sau này con sẽ về Việt Nam làm việc, một trong những điều cha mẹ và con cần cân nhắc là việc chọn ngành sao cho con có thể dễ dàng kiếm việc và phát triển tốt tại Việt Nam. Ví dụ, con học Tâm lí học (Psychology) tại Mỹ – một ngành hiện chưa thực sự phát triển ở Việt Nam – nhưng lại muốn về Việt Nam sinh sống. Điều đó sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho con khi quay trở lại nước nhà, trừ khi con muốn quay trở về để phát triển một ngành chưa được “mở mang” hay chú trọng.
Ngược lại, nếu muốn con định cư ở nước ngoài sau khi học Đại học, cha mẹ nên tìm hiểu xem ngành nghề nào đang có nhu cầu tuyển dụng cao tại đất nước đó, và liệu các doanh nghiệp trong lĩnh vực đó có tuyển nhiều sinh viên quốc tế hay không. Sau đó, chọn trường phù hợp với ngành và có các yếu tố giúp con dễ xin việc sau khi tốt nghiệp cũng là cả một vấn đề “đau đầu” khác. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tìm hiểu và phân tích cho con biết thêm về chính sách định cư của các nước khác nhau, bởi một số nước sẽ có chính sách rộng rãi hơn, mà Canada là một ví dụ điển hình.
Cha mẹ hãy tìm hiểu thật kĩ về những khoản chi phí sẽ cần bỏ ra khi cho con đi du học. Trung bình, tổng chi phí cho một năm học bên Mỹ rơi vào khoảng 1 tỷ VND – con số không nhỏ với phần lớn gia đình Việt Nam. Thậm chí đối với các trường top đầu ở các thành phố lớn, con số có thể tăng cao hơn.
Sau đó, cha mẹ hãy đối chiếu với khả năng tài chính của gia đình mình: liệu mình có thể cho con đi học ở bất kì đất nước nào con muốn, hay mình phải nhắm đến những nơi có nhiều hỗ trợ tài chính như Mỹ?
Từ đó, cha mẹ nên trao đổi thẳng thắn với con về vấn đề này, để con hiểu và biết mình cần làm gì cho quá trình nộp hồ sơ du học. Chẳng hạn như nếu con đi du học, nhất định phải được học bổng 100%; hay con cứ yên tâm chọn trường và ngành yêu thích, bố mẹ hoàn toàn đủ khả năng chi trả.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần giúp con xác định về năng lực, tính cách và mong muốn, đam mê của con. Đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới các bước tiếp theo.
Sau khi làm tốt bước 2 và bước 3 rồi, cha mẹ sẽ cảm thấy việc lựa chọn đất nước cho con du học trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, với mỗi đất nước khác nhau, những bước chuẩn bị phía sau sẽ lại khác nhau tiếp.
Chẳng hạn, nếu cha mẹ muốn con đi Đức học trường công để không phải chi trả học phí, con sẽ cần học tiếng Đức từ sớm. Như vậy, khi con vào cấp 3, cha mẹ nên cho con đi học tiếng Đức thay vì đầu tư quá nhiều tiền vào tiếng Anh. Ở một ví dụ khác, nếu như muốn hướng con đi học tại Anh, cha mẹ cần tìm hiểu về các bậc học tại đất nước này từ sớm. Đối với du học Anh, tốt nhất cha mẹ nên xác định cho con đi học A-level từ cấp 3 nếu như không muốn con học chậm so với bạn bằng lứa.
Đây là một trải nghiệm vô cùng giá trị cho bản thân con – dù con có đi du học hay không. Nhưng riêng đối việc đi du học, thì tham gia các hoạt động ngoại khoá từ sớm đóng vai trò lớn trong việc định hướng sở thích, đam mê của con.
Thực chất, Hội đồng tuyển sinh tại các trường Đại học không yêu cầu học sinh nộp giấy chứng nhận tham gia hoạt động này, chương trình nọ, mà họ đánh giá học sinh thông qua những gì con kể trong bài luận cùng thành tích nổi bật trong hồ sơ. Mọi thứ đều dựa trên chất lượng, chứ không phải số lượng.
Bởi vậy, hoạt động ngoại khoá sẽ giúp con tìm hiểu về bản thân mình (mình thích điều gì, mình hợp với lĩnh vực nào, mình muốn tạo ra những giá trị gì) và rèn luyện các kĩ năng quan trọng như làm việc nhóm, tổ chức sắp xếp hay lãnh đạo. Nhờ chúng, hồ sơ du học của con sẽ có thể “kể một câu chuyện sống động” về chủ nhân của mình.
Đặc biệt, đối với việc du học Mỹ, con cần có chiến lược hoạt động ngoại khoá cụ thể để các hoạt động của con không lan man, tránh tình trạng làm quá nhiều hoặc quá ít, và tránh tình trạng “số lượng đè chất lượng”.
Nộp hồ sơ vào bất cứ trường Đại học Mỹ nào, con cũng sẽ cần thực hiện một số bài thi chuẩn hoá như IELTS/TOEFL/SAT/ACT,…
Nếu con muốn nộp đơn vào các trường Đại học hàng đầu, thì nên cân nhắc thi thêm SAT II (bài thi dùng để đánh giá kiến thức trong một môn học cụ thể). Có đến 22 môn học mà con có thể lựa chọn cho kì thi SAT II như Văn học, Lịch sử, Toán, Hóa học, Vật lý,… Cha mẹ hãy hướng con lựa chọn môn thi phù hợp với ngành học mình định nộp đơn vào.
Sau khi đã lựa chọn được các bài thi chuẩn hóa cần thiết, cha mẹ có thể bắt đầu tìm kiếm giáo viên hoặc các anh chị đi trước đạt điểm cao ở những kì thi này để giúp con lên kế hoạch ôn tập, lí tưởng nhất là từ khi con mới vào cấp 3. Tại MoraNow, có rất nhiều cố vấn từ các trường Đại học top đầu tại Mỹ có thể giúp con ôn luyện theo dạng 1-1 hoặc nhiều hơn dựa trên nhu cầu của học sinh.
Những giấy tờ cần thiết trong quá trình nộp hồ sơ du học của con bao gồm: thư giới thiệu, giấy tờ cần thiết cho bộ hồ sơ (bao gồm chứng minh tài chính) và cuối cùng là tấm visa. Các giấy tờ này thực chất con cũng có thể tự làm được, nhưng nếu có sự hỗ trợ từ cha mẹ thì con sẽ dễ dàng tập trung hơn cho các khâu quan trọng khác.
Về thư giới thiệu, cha mẹ nên cùng con xác định những giáo viên có thể viết thư giới thiệu phù hợp, liên hệ cũng như hỗ trợ giáo viên để có một bức thư hợp lý với chiến lược đề ra, bởi một bức thư giới thiệu từ người có thẩm quyền liên quan tới con hoặc hiểu biết rõ về con sẽ khiến bộ hồ sơ của con có lợi thế cạnh tranh hơn. Việc xin thư giới thiệu nên được bắt đầu từ khoảng 2 tháng trước deadline (hạn nộp hồ sơ) đầu tiên để đảm bảo con sẽ nhận được bức thư chỉn chu nhất.
Về chứng minh tài chính, mục đích của việc này là để cho nhà trường thấy được khả năng của cha mẹ trong việc chi trả học phí và sinh hoạt phí cho quá trình du học của con, tránh trường hợp du học sinh sang Mỹ với ý đồ khác mục đích học tập hoặc bỏ dở giữa chừng. Hồ sơ tài chính bao gồm: sổ tiết kiệm và giấy tờ chứng minh thu nhập hàng tháng. Các tài sản có giá trị khác như xe, bất động sản,… cũng nên được kê khai cùng để “làm đẹp” hồ sơ. Cha mẹ cũng có thể nhờ sự giúp đỡ từ những người có kinh nghiệm du học Mỹ để lựa chọn cách chứng minh tài chính phù hợp cho từng trường.
Và cuối cùng, sau khi con đã được nhận vào ngôi trường mơ ước, cha mẹ hãy giúp con chuẩn bị visa. Có rất nhiều trường hợp chỉ vì không xin được visa mà học sinh bỏ lỡ mất cơ hội học tập của mình. Để tránh những rủi ro đáng tiếc đó, cha mẹ nên tìm kiếm những lời khuyên từ các du học sinh đã có kinh nghiệm ngay từ khi đang hoàn thành những giấy tờ cần thiết, chuẩn bị phỏng vấn cho đến khi nhận được visa thành công.
🌐 MoraNow – nền tảng online kết nối học sinh Việt Nam và các du học sinh Mỹ đi trước
📖 Khám phá danh sách cố vấn và đặt lịch hẹn ngay bây giờ tại: http://bit.ly/mora_191008
🤝 Trở thành Đối tác Cố vấn trên Mora: http://bit.ly/mora_191008_counselor