Tự nhận không có nhiều lợi thế ngay từ khi xuất phát (điểm số và mức tài chính không quá nổi bật, chuẩn bị apply muộn hơn bạn đồng trang lứa) nhưng Jason vẫn xuất sắc giành được học bổng của chương trình “Dual B.A Between Columbia University and Sciences Po” (2 năm học tại Pháp & 2 năm học tại Mỹ). Điều gì đã khiến hồ sơ của chàng cựu Amser chinh phục được hội đồng tuyển sinh? Mời bạn tìm hiểu hành trình apply du học đầy những nước cờ thông thái dưới đây.

Xin chào Jason, sau một năm học tập tại môi trường quốc tế, hẳn em đã trải nghiệm được nhiều điều mới mẻ. Nhìn lại khoảng thời gian từ lúc quyết định du học tới hiện tại, em nhận xét như thế nào về chặng đường của mình?
Thực ra, em quyết định du học vào khoảng thời gian “khá muộn” so với các bạn cùng trường ở THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Lớp 11 em mới bắt đầu học SAT trong khi có nhiều bạn đã học từ lớp 10, thậm chí từ cuối cấp 2 rồi. Hồi mới quyết định du học, em… không biết mình sẽ phải làm gì hết. Em chỉ biết chung chung về một số khái niệm như IELTS, SAT, bài luận, hồ sơ tài chính,… nhưng câu hỏi “Làm thế nào để có bộ sơ hoàn chỉnh và nổi bật?” thì vẫn bỏ ngỏ. May mắn là hè năm lớp 11, em được một chị khóa trên giới thiệu cho một chương trình hè tại Yale University, tên là Yale Young Global Scholars. Sau khi được chọn, em có thêm tự tin vào hành trình du học dù mình có xuất phát hơi muộn.
Đến năm lớp 12, em dành phần lớn thời gian để chọn trường, viết luận, làm hồ sơ tài chính, làm hồ sơ trên Common App,… Thường thì khoảng thời gian “nước rút” này vốn đã khó khăn rồi, nhưng ở Ams, em càng căng thẳng hơn vì peer pressure (áp lực đồng trang lứa). Điểm số của em không thuộc hạng “siêu đỉnh” và mức tài chính không quá dư dả, nên lẽ dĩ nhiên, em bị khá nhiều trường từ chối.
Trong lúc em đang loay hoay với cả tá email “tin buồn” ấy, có bạn đã đỗ các trường thuộc Ivy League, có bạn đã nhận được mức học bổng cao hơn,… Nhưng sau khi bình tĩnh lại, em nghĩ bản thân mình đã có một số quyết định khá thông minh.
Em có thể chia sẻ kỹ hơn về quyết định ấy của mình không? Chị được biết chương trình của em sẽ cho phép sinh viên học 2 năm ở Pháp và 2 năm ở Mỹ, sau đó lấy song bằng. Có phải đây chính là thành quả của quyết định đó?
Vâng, có thể coi là như vậy. Khác với nhiều người dành hết 4 năm tại Mỹ, em sẽ có 2 năm đầu trải nghiệm tại Paris. Lúc bị nhiều trường tại Mỹ từ chối, em bắt đầu nghĩ: “Mình có thực sự cần học ở Mỹ không?”. Em cho rằng tất cả học sinh trước khi bắt đầu quá trình apply đều nên trả lời rõ ràng câu hỏi này. Trừ trường hợp có ý muốn định cư hoặc lý do khác, các bạn hoàn toàn có thể nhìn xa hơn nước Mỹ, ví dụ, Châu Âu cũng là môi trường giáo dục tuyệt vời.
Với các bạn có nguồn tài chính hạn chế, em nghĩ các trường ở Châu Âu sẽ hợp lý hơn, vì chất lượng đào tạo ngang bằng mà chi phí không quá đắt đỏ. Em không còn khăng khăng “nhất định phải học ở Mỹ” nữa, mà mở lòng hơn nhiều với các cơ hội khác. May mắn là cuối cùng, em đã có “tấm vé” trải nghiệm ở cả hai bầu trời Pháp – Mỹ.
Chương trình liên kết này khá mới lạ với các bạn học sinh, cơ duyên nào đã đưa em tới “trái ngọt” ngày hôm nay?
Chương trình Dual B.A Between Columbia University and Sciences Po tại Mỹ nói riêng cũng như nước ngoài nói chung rất được đề cao, thậm chí có bạn từ chối offer từ Yale để theo học Sciences Po – trường về Politics có xếp hạng thứ 2 chỉ sau Harvard. Nhưng ở Việt Nam, trừ các môi trường học chuyên tiếng Pháp, gần như không ai biết tới việc có thể học song bằng như vậy.
Quá trình em biết tới hệ song bằng này cũng là một cơ duyên. Em khá năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa nên có quen một số anh chị khóa trên. Một người anh trong đó biết tới chương trình này qua một người bạn của anh ấy, sau đó chia sẻ lại với em. Nếu không nhờ mối quan hệ này, chắc tới giờ em cũng không biết đến sự tồn tại của một cơ hội quá tuyệt vời như thế.

Em từng đề cập về chương trình hè tại Yale được một người chị giới thiệu, tới cơ hội học song bằng, chị tạm gọi là “tốt nhưng ít người biết”, cũng được chia sẻ quả một người anh. Có vẻ như Jason có một networking rất chất lượng, giúp ích cho em rất nhiều trong quá trình apply. Không rõ em có được nguồn network này từ đâu?
Đúng là như vậy ạ. Sau quá trình apply em nhận ra network rất quan trọng. Có những thứ mình tự mày mò trên mạng thế nào cũng không bằng một buổi nói chuyện với người từng trải.
Nguồn network về du học của em chủ yếu đến từ hai môi trường: (1) Chuyên Ams và (2) các hoạt động ngoại khóa. Ở Ams, gần như ai cũng có dự định du học, nên chỉ cần quen một số anh chị trước 1-2 khóa thôi là đã có một nguồn rất chất lượng rồi. Bên cạnh đó, tham gia các hoạt động ngoại khóa cũng giúp em quen thêm nhiều bạn bè, anh chị có tâm, có tầm, bên cạnh chia sẻ cơ hội apply hay còn hỗ trợ em rất nhiều trong cuộc sống. Bản thân em cảm thấy may mắn vì luôn có người để hỏi, không bị lạc lối trong hành trình du học.
Với những bạn không học trong môi trường chuyên hay môi trường có “truyền thống” du học, em có lời khuyên nào để các bạn mở rộng network của mình không?
Có lẽ đó là “Hãy chịu khó tham gia các hoạt động ngoại khóa”. Em nghĩ đây là cách nhanh và tiết kiệm nhất để các bạn tiếp xúc với rất nhiều người giỏi. Tuy nhiên, đừng tham gia các hoạt động chỉ vì muốn đánh bóng hồ sơ hay tạo mối quan hệ với ai. Trải qua nhiều chương trình ngoại khóa em nhận thấy rằng, nếu ứng viên chia sẻ lý do tham gia chỉ vì có cái ghi vào CV, ứng viên đó thường bị loại thẳng thừng. Lời khuyên của em là hãy lựa chọn các hoạt động ngoại khóa liên quan tới lĩnh vực bạn định học hoặc bạn yêu thích, hãy tham gia nhiệt tình hết mức có thể, network chất lượng sẽ tự động hình thành. Bản thân em khi tham gia Model United Nations Institute Vietnam (MUN), em không hề nghĩ đến việc đi để mở rộng network, nhưng chương trình đã mang tới cho em những mối quan hệ chất lượng vẫn còn duy trì tiếp đến bây giờ.

Nhớ lại hồ sơ của mình, em nghĩ đâu là điểm nổi bật nhất khiến nó “lọt vào mắt xanh” của hội đồng tuyển sinh?
Em nghĩ có hai điểm khiến hồ sơ của em nổi bật hơn các ứng viên khác: một là việc tham gia “summer program” ở Yale, hai là portfolio về kinh nghiệm làm nhiếp ảnh gia trong một triển lãm nghệ thuật. Triển lãm này về chủ đề “gender equality and feminism” (bình đẳng giới và nữ quyền) – khá liên quan tới lĩnh vực politics (chính trị học) mà em đang apply. Không chỉ thể hiện kinh nghiệm có được trong những năm cấp 3, mà portfolio nhiếp ảnh còn giúp hội đồng hình dung rõ hơn về sở thích của em. Các trường ở Mỹ và Châu Âu cũng đánh giá cao các ứng viên có “chất” nghệ thuật.
Một điểm nữa em muốn chia sẻ với các bạn là đừng chỉ liệt kê các hoạt động ra. Phần lớn hoạt động bạn nghĩ là “xịn” ở Việt Nam nhưng hội đồng tuyển sinh tại Mỹ lại không hề biết tới. Nếu không tham gia các hoạt động mang tính quốc tế, bạn nên giải thích rõ về hoạt động của bạn trong CV hoặc bài luận cá nhân.
Chia sẻ những “tác phẩm” của mình để gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh – một cách apply khá mới mà chị tin sẽ có nhiều bạn ứng dụng được. Đây sẽ là một “cứu cánh” tốt cho các bạn có hồ sơ chưa thực sự nổi bật phải không?
Như em đã chia sẻ, khả năng nghệ thuật được đề cao tại Mỹ nên đính kèm “tác phẩm” của mình như bộ ảnh, tranh vẽ,… sẽ tăng cơ hội được nhận của bạn hơn. Nếu bạn được giải trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế thì càng tốt hơn nữa.
Đúng là càng hình dung rõ về ứng viên, hội đồng càng dễ “chấm” ứng viên đó. Nhưng mức contribution (đóng góp cho trường) cũng đóng một vai trò lớn trong câu chuyện đỗ – trượt. Bản thân tự nhận mức tài chính không quá dư dả nhưng vẫn nhận được học bổng cao từ 2 trường đại học top đầu Mỹ – Pháp và cũng từng giúp đỡ nhiều bạn trong trường hợp tương tự, Jason có lời khuyên nào cho các bạn học sinh có nguồn tài chính mỏng không?
Em nghĩ đầu tiên, các bạn nên nhìn sang các nước Châu Âu. Các trường Châu Âu thường có chương trình học 3 năm với học phí và các chi phí khác thấp hơn Mỹ nhiều. Trong khi đó, chất lượng đào tạo cũng không hề thua kém Mỹ, một số trường thậm chí có ranking cao hơn trường tương tự ở xứ cờ hoa. Nếu chỉ muốn chọn môi trường học tốt hơn, trải nghiệm một bầu không khí, văn hóa mới và không đặt nặng vấn đề định cư, học tập ở các nước Châu Âu là lời khuyên mà em đưa ra cho các bạn.
Các bạn cũng đừng nên “thần thánh hóa” việc nhận học bổng toàn phần, vì điều này khá khó và hên xui. Với mức tài chính chưa vững, bạn có thể nhìn rộng ra các cơ hội khác, xác định rõ mục tiêu du học của mình để tìm môi trường phù hợp. Đừng khăng khăng phải đi Mỹ hoặc Anh vì nhiều người làm vậy hoặc “cảm thấy” mình sẽ đạt được điều gì đó, biết đâu những điều bạn đang tìm kiếm, môi trường ở Châu Âu hay Châu Á cũng có thể đáp ứng được thì sao?
Cảm ơn những chia sẻ của Jason, chúc em có thêm nhiều trải nghiệm ở môi trường mới và “dìu dắt” nhiều bạn du học sinh tương lai chạm tới ước mơ của mình.
Cảm ơn chị về bài phỏng vấn. Hy vọng câu chuyện của em sẽ giúp ích cho nhiều bạn học sinh. Chúc chị mạnh khỏe và MoraNow sẽ phát triển hơn nữa, giữ vững vai trò cầu nối cho các bạn du học sinh tương lai và người dẫn đường của mình.
ĐĂNG KÝ NHẬN BUỔI TƯ VẤN DU HỌC MIỄN PHÍ TẠI: https://bit.ly/mora_free_consulting
———————-
MoraNow – nền tảng online kết nối học sinh Việt Nam và các du học sinh Mỹ đi trước
Khám phá danh sách cố vấn và đặt lịch hẹn ngay bây giờ tại: https://bit.ly/mora_201110
Trở thành Đối tác Cố vấn trên Mora: https://bit.ly/mora_201110_counselors