Chọn ngành học trước, sau đó mới xác định trường Đại học mà mình sẽ apply, cố vấn Phạm Đức Kiên – sinh viên của Bowdoin College (#5 LAC) – cảm thấy khá hài lòng với những quyết định của mình.
Vậy Kiên đã lựa chọn ngành học như thế nào, xác định trường Đại học ra sao, có những trải nghiệm thực tế nào về cuộc sống học thuật tại Mỹ?
Mời bạn đọc bài viết dưới đây để lắng nghe những chia sẻ từ Đức Kiên nhé!

“Mình đã được hỏi câu này khá nhiều, bởi khá nhiều người không nghĩ Quan hệ quốc tế (một ngành khá đại chúng và thiên về xã hội học) và Toán thống kê (thực tiễn và số liệu) lại có thể liên quan đến nhau.
Dự định của mình sau đại học là làm việc theo hướng phát triển bền vững (Sustainable Development) thiên về khu vực đô thị. Đặc thù của nghề này, theo hiểu biết của mình, đòi hỏi kĩ năng nghiên cứu toàn diện cùng với kinh nghiệm quản lý dự án và làm việc ở môi trường quốc tế. Chính vì vậy mà hai ngành học của mình là sự lựa chọn phù hợp. Quan hệ quốc tế cho mình vốn kiến thức chung về thế giới và kĩ năng nghiên cứu định tính (qualitative). Còn Toán thống kê không chỉ bổ sung cách xử lý số liệu, nghiên cứu định lượng (quantitative), mà còn giúp mình có cách suy nghĩ xử lý vấn đề logic hơn.”

“Thú thật là trước khi apply mình không biết nhiều về Bowdoin, ngoại trừ việc nó nằm ở Maine là tiểu bang với mùa đông khét tiếng nhất Mĩ. Tuy vậy, sau khi nghiên cứu về hệ thống đại học Hoa Kì, mình có thiên về các trường Liberal Arts bởi môi trường thân thiện và thiên về hướng học thuật của họ. Và trong LAC thì Bowdoin là một trong những trường có tiếng nhất ở Mĩ, với thế mạnh thuộc đúng hai ngành mình quan tâm (Quan hệ quốc tế và Toán). Hơn nữa, sau khi nhận mình rồi, Bowdoin đã rất tạo điều kiện để mình học tập với gói tài chính và một học bổng nghiên cứu hè.
Sau 2 năm học ở trường, mình khá hài lòng với những gì Bowdoin đã mang lại. Một lớp ở Bowdoin thường chỉ có 15 đến 20 học sinh nên bạn có cơ hội tham gia vào bài giảng và buổi thảo luận. Đồng thời lớp bé nên không “bùng” được, học đâu ra đó. Các giáo sư thì rất thân thiện, luôn sẵn sàng gặp bạn sau giờ học nếu bạn có thắc mắc hay muốn bàn luận thêm về bài giảng. Thậm chí mình có một thầy Toán tổ chức buổi học nhóm mỗi tối thứ Ba, tất cả học sinh ở cả 4 khoá cùng nhau bàn về khái niệm mới, hỗ trợ làm bài tập, và sau đó ngồi xem phim ăn bỏng ngô.
Học sinh ở Bowdoin rất cá tính và ham học hỏi, mỗi người có một đam mê riêng của mình. Vì trường bé nên bạn dễ dàng làm quen với mọi người và tham gia vào các hoạt động hơn. Cá nhân mình hiện là phó chủ tịch hội sinh viên Châu Á, người sáng lập bàn ngôn ngữ tiếng Việt, và là thành viên hội sinh viên quốc tế cùng với clb môi trường của Bowdoin.”

“Môi trường của Bowdoin nói riêng, và LAC nói chung, khá thiên về học thuật. Mỗi lớp thường có 2 đến 3 bài giảng mỗi tuần, theo mô hình dạy giáo án kết hợp với thảo luận và làm việc theo nhóm. Một học kì Bowdoin gồm 4 đến 5 lớp, nên thời khoá biểu sẽ không dày đặc như ở Việt Nam. Nhưng chính vì thế nên khối lượng bài tập sẽ lớn hơn, và khi hết ngày học mọi người thường cắm ở thư viện, học nhóm với nhau, hoặc đi Office Hours để nói chuyện với giáo sư.
Vì bản thân học hai ngành khác biệt nên mình sẽ thường nhảy từ một lớp số liệu (Probability hoặc Optimization) đến một lớp xã hội (Tình hình kinh tế-chính trị ở Đông Á hoặc Vấn đề ngôn ngữ ở Đông Nam Á). Sau 2 năm học tập, mình nhận thấy đây là một điểm mạnh của hệ thống Liberal Arts, bởi bạn sẽ không cảm thấy burn-out (kiệt sức) với ngành học của mình vì được tiếp xúc với nhiều vốn kiến thức khác nhau.
Với tính học thuật như vậy, Bowdoin thường tạo điều kiện bổ sung kĩ năng ngoài lớp học. Mình đã khá may mắn khi được làm trợ lý nghiên cứu cho khoa Quan hệ quốc tế của trường, và các bạn của mình còn có cơ hội làm nghiên cứu khoa học ở viện nghiên cứu riêng của trường. Ngoài ra, mình còn là “sếp” quản lý đội sinh viên làm ở nhà ăn-nhà hàng ở Bowdoin (đứng thứ hai cả nước), trợ lý ở thư viện, và làm barista cho quán cafe. Việc làm thêm ở trường đã cho mình kinh nghiệm hơn về cách quản lý và giao tiếp, thêm một chút tài lẻ pha cà phê nữa.
Nhìn chung, mình nghĩ rằng khi apply, các bạn nên cân nhắc đến thế mạnh bản thân, cũng như kì vọng của mình với trải nghiệm đại học ở Mĩ. Bowdoin và các trường LAC sẽ cho bạn có kiến thức và kĩ năng toàn diện chung, và bạn sẽ phải tích cực nắm lấy những cơ hội nghiên cứu và thực tập của trường để có thêm kinh nghiệm làm việc thực tiễn. Cá nhân mình vẫn đang trong quá trình định hướng hoài bão bản thân và xác định tương lai, nên những gì mình nói ở trên có thể không đúng hay áp dụng được với trải nghiệm của các du học sinh khác. Tuy vậy, mình mong rằng những chia sẻ trên sẽ có ích với mọi người, và chúc các bạn apply vào được trường phù hợp với mình (nhưng nhớ ưu tiên Bowdoin nhé)!”
🌐 MoraNow – nền tảng online kết nối học sinh Việt Nam và các du học sinh Mỹ đi trước
📖 Khám phá danh sách cố vấn và đặt lịch hẹn ngay bây giờ tại: http://bit.ly/mora_191125
🤝 Trở thành Đối tác Cố vấn trên Mora: http://bit.ly/mora_191125_counselor