Đó là một cơ duyên. Thực chất, trước đây mình không có ý định trở về Việt Nam làm việc, kế hoạch của mình sau khi ra trường là tận dụng kinh nghiệm thực tập đã có để sang Sing hoặc các nước khác. Tuy nhiên, dù đi theo con đường nào, điều quan trọng nhất đối với mình là luôn ưu tiên học hỏi, trau dồi kiến thức, và lý tưởng hay mục đích của doanh nghiệp mình tìm kiếm nên trùng khớp với những gì mình mong muốn.
Uber trước đây và cả Grab bây giờ đáp ứng được hai điều trên. Một công ty on-demand (liên tục thay đổi dựa theo nhu cầu của thị trường) giúp mình phải liên tục ứng biến và linh hoạt xử lý các tình huống. Một công ty muốn tạo được những ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng – cùng lý tưởng với mình. Vậy là mình quyết định nắm lấy cơ hội, và sau hơn 2.5 năm làm việc tại Uber và Grab, chưa lúc nào mình cảm thấy hối hận với quyết định mang tính bước ngoặt này.
Thì ra môi trường làm việc ở Việt Nam hoàn toàn có “chất lượng” ngang ngửa các quốc gia lớn mạnh khác. Từ mức lương, văn hoá doanh nghiệp, cho tới khả năng thăng tiến. Nếu bạn muốn có công việc ổn định cùng điều kiện sống cao hơn, các quốc gia lớn như Mỹ có thể là một lựa chọn phù hợp. Nhưng nếu bạn giống mình, muốn khám phá và đối mặt với nhiều thay đổi, thách thức, quay trở lại Việt Nam sẽ là một chuyến phiêu lưu không làm bạn thất vọng.
1. Mức lương kỳ vọng và thực tế?
Thực ra khi mới về, mình cũng biết mức lương khởi điểm ở Việt Nam sẽ không cao và khi tham gia phỏng vấn với Uber, mình chia sẻ mức lương của mình ở Mỹ (khi mình đi thực tập một năm rưỡi tại công ty Estee Lauder Companies). Nhưng tại thời điểm đó, mình cũng không nghĩ nhiều, ưu tiên việc học nên không kì vọng mức lương sẽ phải tương ứng ở Mỹ hay bắt buộc đạt “mức sàn” nào. Tuy nhiên, có lẽ bản thân mình khá may mắn, mức lương khởi điểm cũng cao hơn so với suy nghĩ ban đầu. Để nói về các “nấc thang” của mức lương ở Uber trước đây hay chính là Grab bây giờ thì mình nhìn nhận mức nào cũng có, từ thấp cho tới cao ngất ngưởng.
Nhưng cái mình nhận ra là nếu ở Việt Nam mình có năng lực – đặt ra những mục tiêu rõ ràng trong công việc, tập trung hoàn thành toàn tốt công việc của mình, không ngừng cải thiện, sẵn sàng giúp đỡ các bộ phận khác, và đồng thời đem lại giá trị cho công ty thì mức lương có khả năng tăng cao hơn nhiều lần (do mức lương ở Việt Nam đa dạng và linh hoạt, không cố định ở một hạn mức nhất định như bên Mỹ).
Nếu như so sánh độ chênh lệch giữa mức lương ở Việt Nam và mức lương ở Mỹ, thì mức lương tại Việt Nam không thể cao bằng, tuy nhiên, chi phí sinh hoạt ở Việt Nam lại thấp hơn nên có thể chi tiêu hợp lý và vẫn có thể dành dụm, tiết kiệm. Chẳng hạn như hồi mình ở Mỹ, một tháng thuê nhà mất khoảng 12-13 triệu, một bữa ăn mất 120.000đ-150.000đ, di chuyển bằng ôtô do công ty ở xa trung tâm. Còn ở Sài Gòn, mình chỉ mất khoảng 5-6 triệu tiền thuê nhà, một bữa ăn khoảng 50.000đ-60.000đ, xăng xe rẻ, mà nếu di chuyển bằng Grab cũng rất tiết kiệm. Nói tóm lại, chi phí sinh hoạt ở Mỹ sẽ cao gấp ít nhất 2 lần so với ở Việt Nam.
2. Cơ hội thăng tiến ở Việt Nam khác gì ở Mỹ?
Mọi người thường định nghĩa thăng tiến là cơ hội thăng chức, nhưng với mình thì thăng tiến còn bao gồm sự phát triển bản thân và tích luỹ về mặt kinh nghiệm. Và cả hai điều này đều phụ thuộc nhiều vào mục đích của mỗi người, dù làm việc ở Việt Nam hay ở Mỹ.
Tuy nhiên, nếu ở Mỹ, do mình không phải là người bản địa nên luôn phải lo về giấy tờ, visa, hay quay xổ số,… lúc nào cũng sẽ tiềm tàng rủi ro không thể ở lại và thực tế, tuỳ công ty mới có thể sponsor visa (giúp bạn được nhận visa) để được tiếp tục làm việc. Vì vậy, điều đó có thể ảnh hưởng tới kế hoạch hay con đường sự nghiệp/thăng chức của bản thân. Hơn nữa, tại các công ty này, những đóng góp hay ảnh hưởng của bạn tới công ty sẽ giống như một mắt xích trong dây chuyền sản xuất vậy, khó có thể nhìn thấy được những thành quả từ chính công việc của mình tạo ra.
Ngược lại, ở Việt Nam, bạn có khá nhiều sự lựa chọn về thị trường công việc khi không phải lo về giấy tờ, thủ tục,… và chỉ cần tập trung toàn bộ sức lực vào công việc của mình. Bạn có thể làm ở tập đoàn lớn hoặc công ty start-up (khởi nghiệp), hay dạo gần đây có nhiều công ty công nghệ nổi lên với tiềm năng lớn. Còn ở Grab, một start-up với tính chất on-demand – mình sẽ phải “thúc” bản thân chủ động ứng biến trong việc xử lí tất cả tình huống không chỉ để đáp ứng những sự thay đổi về định hướng của công ty, đối thủ hay chính nhu cầu từ phía khách hàng, tài xế hay nhà hàng. Cũng nhờ thế mà kết quả và tầm ảnh hưởng mà mình tạo ra cho công ty sẽ được nhìn thấy rõ rệt hơn. Và đương nhiên, nếu bạn đủ nhạy bén, biết nắm bắt, tận dụng các kiến thức và kĩ năng đã học được thì bạn sẽ thăng tiến rất nhanh tại Việt Nam.
3. Chuyện “sốc văn hoá ngược” có xảy ra không?
Mình nghĩ hầu như du học sinh nào trở về Việt Nam làm việc cũng lo lắng về vấn đề này, vì đang quen với phong cách làm việc tại Mỹ. Bản thân mình ở Mỹ 7 năm, trong đó có 1.5 năm đi thực tập. Hơn nữa, ở Mỹ mọi người trong công ty bình đẳng, không có khoảng cách giữa sếp và nhân viên, và có thể thoải mái đưa ý kiến và phát biểu đóng góp. Vì thế ban đầu về Việt Nam mình cũng khá lo lắng sợ bản thân không hoà nhập được với môi trường làm việc.
Tuy nhiên khi mình bắt đầu làm việc tại Uber Việt Nam, môi trường làm việc ở đây khá international (quốc tế) và trẻ; đồng thời, số lượng nhân viên không nhiều nên sếp và đồng nghiệp gần gũi, hoà đồng. Làm ở Uber được thời gian ngắn, khoảng 6 tháng thì Grab, Uber sát nhập và mình chuyển công tác sang Grab – Grab là công ty lớn và local (địa phương) gần như 100% (2 công ty có văn hoá khác nhau). Tại đây, công ty phân chia theo nhiều level (cấp độ) khác nhau nên có thể tạo nhiều khoảng cách giữa nhân viên với cấp trên (và mình nhìn nhận mọi người ở Việt Nam vẫn còn e ngại để được thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình). Nhưng theo mình nghĩ, khi gặp vấn đề cần được đề xuất, mình cố gắng tiếp cận và thảo luận mang tính chất xây dựng nhất, đồng thời hiểu sâu vấn đề cùng với thái độ tôn trọng, tích cực thì cũng sẽ được tiếp nhận và lắng nghe. Nhìn chung, mình nhận ra việc giao tiếp hiệu quả là rất quan trọng. Ngoài ra, thi thoảng mình cũng có bất đồng ý kiến với các team (đội nhóm) khác (nhiều là đằng khác) do mỗi team sẽ có văn hoá, góc nhìn, mục tiêu hay cách làm việc khác nhau, nhưng cơ bản nếu tất cả cùng đặt mục đích chung của công ty lên trước, tìm điểm chung của vấn đề thì có thể đi tới quyết định cuối cùng và thống nhất. Vì vậy, cho tới thời điểm này sau khi trải nghiệm ở cả Uber và Grab, dù văn hoá 2 môi trường có thể khác nhau, nhưng nếu bản thân sẵn sàng thay đổi để thích nghi, và khi gặp bất kỳ vấn đề gì đều chủ động giao tiếp hiệu quả và luôn đặt lợi ích của công ty lên cao nhất thì sẽ luôn tìm được cách giải quyết một cách thấu đáo.
Nếu để nhắn gửi điều gì đó tới các bạn du học sinh đang đọc bài viết này, mình muốn nói với bạn rằng: Tuổi trẻ của chúng ta có hạn, hãy sẵn sàng đối mặt với nhiều thách thức, không ngừng cải thiện bản thân và tập trung theo đuổi lý tưởng của mình, thay vì loay hoay xoay sở trong vùng an toàn của bản thân. Đối với mình, môi trường trong nước chính là một thách thức mà bản thân muốn vượt qua.
Còn bạn thì sao? Hãy sớm tìm ra một thách thức để chinh phục khi tuổi trẻ vẫn còn đợi ta ở phía trước!
—————————
Bài chia sẻ từ chị Nguyễn Mai Phương – một cố vấn trên nền tảng MoraNow.
Operations Manager tại GrabFood
Cựu du học sinh Mỹ tại Drexel University