Nếu như bài luận cá nhân thể hiện con người bạn từ chính những suy nghĩ và trải nghiệm của bạn, thì thư giới thiệu là một minh chứng khách quan hơn từ một người thứ ba, nói lên những cảm nhận sau khoảng thời gian dài tiếp xúc với bạn. Đối với hồ sơ du học Mỹ, thư giới thiệu cần được viết bởi giáo viên cấp 3 của bạn, có thể là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên phụ trách bộ môn mà bạn yêu thích.
Vậy một bức thư giới thiệu hoàn chỉnh cần nói những điều gì về bạn? Hãy đọc bài viết dưới đây của MoraNow và ghi lại thật nhanh những ý chính quan trọng để bắt tay vào xin thư giới thiệu từ thầy cô nhé!
1️⃣ Điểm mạnh trong học tập
Hội đồng tuyển sinh muốn tìm hiểu về khả năng học tập của bạn, bởi vậy, bên cạnh điểm số trên lớp, họ sẽ tin tưởng vào đánh giá của giáo viên cấp 3 về lĩnh vực bạn yêu thích và có tiềm năng, cũng như ý thức học tập của bạn. Họ tìm kiếm những học sinh biết tò mò về những điều mới mẻ và đóng góp tích cực cho các cuộc thảo luận trên lớp. Họ muốn học sinh của mình sau khi ra trường sẽ tận dụng kiến thức từ trường đại học để tạo ra những giá trị nhất định cho cộng đồng.
Bởi vậy, hãy gây ấn tượng với giáo viên chủ nhiệm hoặc các giáo viên bộ môn mà bạn yêu thích bằng sự nỗ lực, gắn kết dành cho môn học. Thi thoảng, bạn nên xin vài phút chia sẻ cùng giáo viên về kế hoạch học tập của mình, và xin lời khuyên trực tiếp từ họ. Bằng cách này, họ sẽ hiểu hơn về những điều bạn quan tâm và hướng đi mà bạn đang cân nhắc lựa chọn, từ đó đưa ra những góc nhìn thực tế và có giá trị. Đồng thời, điều này giúp các thầy cô hiểu bạn hơn để có thể viết thư giới thiệu một cách chi tiết nhất. Nhưng bạn cũng nên nhớ rằng, một bức thư giới thiệu gây ấn tượng cần cho hội đồng tuyển sinh thấy được cả tính cách và những phẩm chất đặc biệt của bạn thay vì chỉ nói về khả năng học tập. Hãy nhắn nhủ thầy cô của mình điều này!
2️⃣ Tính cách cá nhân
Nhưng tại sao tính cách cá nhân lại quan trọng khi nộp hồ sơ du học Mỹ? Các trường đại học tại Mỹ luôn đề cao sự đa dạng trong tính cách và trải nghiệm của học sinh. Họ muốn xây dựng cộng đồng sinh viên đa dạng nhưng có thể sống, làm việc và vui chơi với nhau một cách hoà thuận. Đồng thời, họ cũng muốn sinh viên của mình có cá tính mạnh mẽ, rõ ràng, có sự sáng tạo và khả năng lãnh đạo để đóng góp những điều tích cực cho cộng đồng.
Bởi vậy, hãy xin thư giới thiệu của một giáo viên hiểu rõ về tính cách của bạn. Giáo viên không nhất thiết phải hiểu bạn như một người bạn thân, nhưng họ nên biết rõ bạn là ai, thái độ học tập và sự kết nối với các bạn khác trong lớp như thế nào, hay điều gì bạn cho là quan trọng. Nếu bạn vẫn còn 1-2 năm trước khi nộp hồ sơ du học, hãy tham gia nhiệt tình vào bài giảng trên lớp và thể hiện nhiều hơn về bản thân với giáo viên. Bạn thậm chí có thể xin phép ở lại cuối giờ để gặp riêng và nhờ giáo viên giải đáp một vài thắc mắc của mình, xin một vài lời khuyên hữu ích liên quan tới môn học, từ đó phát triển mối quan hệ thân thiết giữa thầy trò, tạo tiền đề cho giai đoạn xin thư giới thiệu. Đừng quên “hành động” từ những điều nhỏ nhặt nhất thường ngày, như là chủ động giơ tay phát biểu, đặt ra những câu hỏi tư duy thú vị, hoàn thành bài tập về nhà một cách xuất sắc, giúp đỡ kèm cặp thêm cho các bạn học đuối trên lớp,… Giáo viên sẽ có được thêm tư liệu sau quãng thời gian quan sát bạn trên lớp để kể thêm trong thư giới thiệu của mình.
3️⃣ Sự tương tác với giáo viên
Đại học là một môi trường đòi hỏi sự hợp tác và tương tác rất cao, nên hội đồng tuyển sinh cũng quan tâm tới mối quan hệ của bạn với những người khác trong trường. Thực chất, một thư giới thiệu đầy thuyết phục đã chính là minh chứng cho khả năng làm việc với giảng viên của bạn. Dựa vào ấn tượng và mối quan hệ mà giáo viên cũ viết về bạn, hội đồng tuyển sinh sẽ hiểu cách bạn thể hiện tại môi trường sư phạm. Họ muốn tìm kiếm những sinh viên biết cách thiết lập mối quan hệ với giáo sư và tận dụng được hết những kiến thức được giáo sư truyền tải.
4️⃣ Định hướng trong tương lai
Tất cả những yếu tố kể trên của một bức thư giới thiệu sẽ giúp hội đồng tuyển sinh phần nào hình dung được định hướng tương lai của bạn. Chẳng hạn, nếu như giáo viên ca ngợi về niềm yêu thích viết lách của bạn, hội đồng tuyển sinh sẽ cho rằng bạn có thể phù hợp với các công việc liên quan tới báo chí. Hoặc ví dụ như giáo viên nói về tính cách chu đáo và sự tham gia nhiệt tình của bạn trong các buổi học trên lớp, hội đồng tuyển sinh sẽ cảm thấy tin tưởng hơn rằng bạn sẽ dễ dàng hòa hợp với các bạn học và giáo sư của mình.
Hãy luôn ghi nhớ rằng các trường đại học Mỹ muốn xây dựng một cộng đồng sinh viên có khả năng làm việc tốt với nhau và tạo ra một môi trường nhiều cơ hội để học hỏi. Họ cũng muốn sinh viên chủ động tận dụng tối đa thời gian và kiến thức của các giáo sư, từ đó trở thành thế hệ lãnh đạo tiếp theo, những người sẽ đóng góp ý tưởng đổi mới và các giải pháp có ý nghĩa cho mọi vấn đề đang tồn tại trên thế giới.
Nhìn chung, thư giới thiệu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hồ sơ du học. Nó nói lên nhiều điều về con người của bạn với tư cách là một học sinh, một người bạn học, hay đơn giản là một con người. Hãy nắm rõ những điều hội đồng tuyển sinh muốn thấy được trong thư giới thiệu để thể hiện bản thân rõ ràng hơn trên trường, giúp giáo viên của bạn hiểu bạn hơn và giúp bạn tạo ra những bức thư giới thiệu gây ấn tượng đặc biệt!
Nếu bạn đang gặp bất cứ khó khăn gì trong quá trình nộp hồ sơ, hãy liên hệ ngay với các cố vấn tại MoraNow nhé!
*Nguồn tham khảo: PrepScholar.
———————-
▶️ ĐĂNG KÝ NHẬN BUỔI TƯ VẤN DU HỌC MIỄN PHÍ TẠI: https://bit.ly/mora_free_consulting
———————-
🌐 MoraNow – nền tảng online kết nối học sinh Việt Nam và các du học sinh Mỹ đi trước
📖 Khám phá danh sách cố vấn và đặt lịch hẹn ngay bây giờ tại: http://bit.ly/mora_200927
🤝 Trở thành Đối tác Cố vấn trên Mora: http://bit.ly/mora_200927_counselors