Vì bên cạnh những môn học khó nhằn ở trường Đại học, du học sinh còn gánh trên vai 1001 định kiến mỗi lần về thăm nhà. Đôi khi là những lời tâng bốc quá mức, đôi khi lại là những lời chê bai đến chạnh lòng.
1. “Đi du học là phải giỏi lắm đây!”
Có vẻ như trong mắt của nhiều người, du học sinh nghiễm nhiên sở hữu một tương lai sáng sủa, nơi mà “tiền vào như nước”. Nếu không ở lại nước ngoài làm việc với mức lương trăm ngàn đô một năm, thì về nước cũng dễ dàng “hái ra tiền” trong những công ty thật xịn, với những chức vụ thật sang. Những tiêu chuẩn và kì vọng ấy chẳng khác nào những tảng đá đè nặng lên đôi vai của du học sinh, khiến nhiều người trong số họ mệt mỏi, hoang mang và dần trở nên sợ hai chữ “tương lai”.
Không chỉ dừng lại ở câu chuyện kiếm tiền, mà khía cạnh tri thức hay nhân cách cũng thuờng xuyên là một vấn đề nhạy cảm. Du học sinh được coi là đại diện của “bầu trời tri thức phương Tây”, nên chỉ một phát ngôn không hoàn hảo thôi, cũng có khả năng bị quy chụp rằng “có học có hành hơn người mà lại như vậy”. Thực ra, học ở đâu cũng là học, du học sinh có thể được đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất, về những vấn đề hội nhập thế giới, nhưng đâu phải du học sinh nghiễm nhiên được “học nhiều hơn” hay “giỏi hơn” những người bạn đồng trang lứa học Đại học trong nước? Cái nhìn phiến diện này không chỉ bất công cho học sinh trong nước, mà còn bất công ngang ngửa cho chính những du học sinh.
Có một ranh giới mong manh giữa việc ngưỡng mộ du học sinh và việc áp đặt tiêu chuẩn lên du học sinh. Các bạn ấy cũng là những con người bình thường như bao bạn đồng trang lứa, với tính cách riêng, mong muốn riêng, hoài bão riêng. Không phải ai cũng muốn du học để giỏi hơn, không phải ai cũng muốn du học để giàu hơn, và không phải cứ đi du học thì có nghĩa vụ phải giỏi và phải giàu. Hãy coi như các bạn ấy vừa trở về Việt Nam từ một đất nước khác sau vài năm sinh sống, thay vì suy nghĩ rằng các bạn ấy vừa được cử đi “tìm đường cứu nước”. Bạn chắc chắn sẽ có những cái nhìn rất khác về du học sinh!
2. “Không thi được Đại học nên phải đi du học đấy!”
Ngược lại với những định kiến “tích cực” phía trên, du học sinh cũng thường xuyên phải đối mặt với những lời chỉ trích, những quan điểm tiêu cực về việc “trốn thi Đại học bằng cách đi du học”. Trong suy nghĩ của những người này, chương trình học ở nước ngoài dễ hơn ở Việt Nam rất nhiều, hay nói rộng ra là chương trình học ở phương Tây nhẹ hơn nhiều so với chương trình học ở phương Đông. Nhưng họ lại không biết rằng, nếu như Đại học ở Việt Nam tuyển chọn vô cùng khắt khe nhưng đầu ra phần lớn tốt nghiệp loại khá trở lên, thì Đại học ở phương Tây đầu vào đơn giản mà để tốt nghiệp lại khó vô cùng. Những kì thi không thể gian lận, những dự án làm ngày đêm với sự hướng dẫn và đánh giá của những giáo sư cầu toàn, những rào cản ngôn ngữ ảnh hưởng tới việc nghe hiểu bài giảng, và cảnh tự lập tại một đất nước khác cũng không dễ chịu như đi du lịch thưởng ngoạn chút nào.
Và chẳng thể không kể đến câu chuyện của những tấm gương học bổng 70% và 100%. Nếu một bạn học sinh được học bổng thấp hơn ngưỡng ấy, người ta nói rằng “Con bé ấy có được học bổng cao đâu?”, rồi thì “Trường đó tôi chưa nghe tên bao giờ, chắc cũng bình thường”, và rằng “Chỉ tốn tiền đua đòi, phải được học bổng cao mới là giỏi thật.” Nhưng nếu xin học bổng đơn giản tới thế, có lẽ người người nhà nhà đều được lên báo hết rồi. Mà quan trọng hơn, việc du học vốn là một lựa chọn. Cũng giống như việc cho con học trường công lập, trường dân lập hay trường quốc tế, du học cũng chỉ là một lựa chọn khi cha mẹ có khả năng tài chính vững vàng. Vì vậy mà không thể kết luận một du học sinh không có học bổng cao là “kém tắm”, “là không thi được Đại học trong nước”. Chỉ cần nhìn nhận bạn ấy như một du học sinh như nhiều du học sinh khác, một sinh viên bình thường như nhiều sinh viên Việt Nam khác, vậy là đủ rồi. Chúng ta đang ở thế kỉ 21, việc du học không còn là điều gì đó thật kinh khủng nữa, mà chỉ là một trong số rất nhiều lựa chọn mà thôi.
MoraNow muốn chia sẻ góc nhìn này cho cha mẹ và các bạn du học sinh, để người lớn chúng ta bao dung hơn cho sự chưa hoàn hảo của các con, nhìn nhận các con một cách “bình đẳng” hơn khi so sánh với các bạn trong nước, và cũng để du học sinh hiểu rằng các bạn không hề đơn độc trong chặng hành trình này!
Chúng ta hãy cùng nhau lan toả thông điệp này tới những người xung quanh, để một ngày nào đó rất gần thôi, những định kiến về du học sinh sẽ có thể ngừng tồn tại.
———————-
🌐 MoraNow – nền tảng online kết nối học sinh Việt Nam và các du học sinh Mỹ đi trước
📖 Khám phá danh sách cố vấn và đặt lịch hẹn ngay bây giờ tại: https://bit.ly/mora_200714
🤝 Trở thành Đối tác Cố vấn trên Mora: https://bit.ly/mora_200714_counselor