[Chia sẻ từ bạn Huỳnh Phúc – Grinnell College: #11 LAC]
Tự apply không phải là điều “không thể”. Huỳnh Phúc chính là một ví dụ điển hình cho câu chuyện này. Bỏ qua dịch vụ của các trung tâm tư vấn du học để tự làm mọi thứ từ A đến Z, Huỳnh Phúc đã apply thành công Grinnell College (trường Đại học danh giá xếp thứ 11 trong nhóm Đại học Khai phóng tại Mỹ) với sự hướng dẫn từ các anh chị đi trước ở nhiều khâu khác nhau cùng năng lực sẵn có của bản thân.
Để giúp những bạn học sinh đang băn khoăn về chuyện “tự apply du học Mỹ”, chúng tôi đã thực hiện một series phỏng vấn các cố vấn giàu kinh nghiệm trên nền tảng MoraNow với mong muốn chia sẻ những câu chuyện có thực về quá trình apply tới các bạn.
Mở đầu cho series này sẽ là bài chia sẻ vô cùng tâm huyết của bạn Huỳnh Phúc về quá trình tự apply đầy “xương máu” của mình. Phúc chia sẻ rằng để đến được vạch đích cuối cùng, bạn cần phải hiểu rõ tại sao mình cần tham gia vào “cuộc đua” này, sau đó lên một kế hoạch mang tính khoa học và kỉ luật cao để ôn luyện SAT & IELTS và đồng thời linh hoạt xử lí bài luận của mình.
Mời bạn tiếp tục đọc và nghe Phúc chia sẻ kinh nghiệm của mình qua từng “khâu” chuẩn bị. Mong rằng đôi lời “từ tâm” này sẽ giúp các bạn bớt hoang mang hơn, cảm thấy tự tin vào bản thân hơn khi quyết định tự apply du học Mỹ.
Ngày còn nhỏ (tầm 6, 7 tuổi), mình đã hình thành những suy nghĩ “non nớt” đầu tiên: lớn lên mình nhất định phải đi du học, mình muốn được như các anh chị cựu học sinh của mẹ – những người giành được thật nhiều suất học bổng “khủng” ở Úc, Singapore hay Mỹ.
Trong những năm cấp ba sống xa gia đình ở một thành phố mới, suy nghĩ “non nớt” ngày nào đã dần trưởng thành hơn, “chín chắn” hơn. Mình hiểu rằng, với bản tính thích phiêu lưu, khám phá và sự thách thức, mình cần đi nhiều hơn và đi xa hơn. Mình muốn bản thân được “cọ xát” với nhiều môi trường khác nhau, tích lũy thêm nhiều kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm mới mẻ.
Đối với mình, một trong những thước đo khách quan và ý nghĩa nhất của cuộc sống mỗi người chính là những trải nghiệm sống. Chất lượng và số lượng của những trải nghiệm sống mà một người có được sẽ là hành trang quý báu giúp họ mở mang tầm mắt và tư duy của bản thân để từ đó có thể tự tin hơn khi bước chân vào một môi trường mới và khôn ngoan hơn để đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh của bản thân.
Mình lựa chọn Mỹ làm “điểm đến” cho bốn năm đại học của mình vì mình tin tưởng vào chất lượng giáo dục của Mỹ, đặc biệt là của những trường đại học khai phóng với mô hình dạy-học và sĩ số sinh viên của mỗi lớp. Bên cạnh đó, bằng cách đặt chân đến một đất nước cách Việt Nam hơn mười ngàn cây số và tiếp xúc với một nền văn hóa mới nhất định sẽ giúp mình mở rộng hiểu biết, và mở lòng đón nhận những cái mới, lạ và khác biệt.
Mình vẫn luôn tin rằng muốn tự học bất cứ thứ gì, bạn đều phải tạo lập một kế hoạch học tập mang tính khoa học và tính kỉ luật tự giác cao. Áp dụng công thức này vào việc tự ôn luyện SAT & IELTS không thông qua các trung tâm, mình đã có những kết quả đáng hài lòng. Đương nhiên, bạn đừng quên tìm những người hướng dẫn, định hướng phù hợp ở giai đoạn đầu ôn luyện.
Thứ nhất, “khoa học” là khi bạn thử nghiên cứu một vài phương pháp học rồi chọn ra phương pháp phù hợp nhất với bản thân, bởi không phải phương pháp nào cũng có kết quả với tất cả mọi người. Khác với nhiều “sĩ tử” khác, mình không chú trọng nhiều vào phần từ vựng (một số “cao thủ” có chia sẻ với mình rằng họ thường học 10-50 từ/ngày, làm các bài tập trong các sách từ vựng,…). Mình cho rằng, việc mình tập trung cải thiện các kĩ năng khác như đọc, viết hoặc nói (đối với IELTS) hay đọc và viết dựa trên dẫn chứng (Evidence-based Reading and Writing – đối với SAT) sẽ giúp mình tiếp xúc với từ vựng một cách tự nhiên hơn. Ví dụ như, trong quá trình làm một bài đọc, mình thường highlight và học tất cả những từ mới mà mình bắt gặp. Nhờ có bài đọc làm bối cảnh, mình hiểu từ vựng kĩ càng hơn, cả về nghĩa, ngữ cảnh và cách sử dụng. Từ đó, mình có thể vận dụng từ vựng tốt hơn vào những phần thi khác hay vào đời sống thực tế. So với cách học từ vựng thông thường thì bản thân mình cảm thấy cách học này cho phép mình vừa hiểu một từ sâu hơn và rộng hơn, vừa cải thiện những kĩ năng làm bài thi của mình một cách đáng kể.
Thứ hai, bạn cần tạo ra cho bản thân một “khuôn khổ kỉ luật” cụ thể và rõ ràng: bắt tay vào ôn luyện từ sớm, đặt ra những khung thời gian riêng cho việc học bài, và lựa chọn môi trường học phù hợp. Vì mình đã xác định rõ từ ban đầu rằng sẽ tự chuẩn bị cho các kì thi chuẩn hóa (SAT, IELTS) nên mình bắt đầu ôn tập từ khá sớm. Mình cũng tranh thủ những buổi chiều, tối sau giờ học và những ngày cuối tuần để làm các bài luyện tập mà mình tải hoặc tìm mua trên mạng. Không chỉ vậy, để “thúc” bản thân chủ động hơn trong việc ôn luyện, mình thường chọn ngày thi cách thời điểm bắt đầu ôn tập khoảng 3-4 tháng. Về môi trường học tập, mình luôn cần không gian đủ yên tĩnh để có thể hoàn toàn tập trung, nhưng lại không quá thoải mái để hạn chế sự trì hoãn hay uể oải trong lúc học bài. Bởi vậy, cứ 2 tháng mình sẽ thay đổi địa điểm học một lần. (Nhờ vậy mà mình đã có được một danh sách những quán cà phê không quá ồn ào, đông đúc trong thành phố để sau mùa ôn tập có thể thường xuyên lui tới để làm việc, và mình rất sẵn sàng chia sẻ cho các bạn!)
Ngoài hai yếu tố kể trên, mình nghĩ rằng sự hỗ trợ từ những giảng viên dày dặn kinh nghiệm trong những tháng đầu cũng rất quan trọng. Nếu bạn đã tự học và ôn luyện, hãy tìm tới một vài giáo viên tiếng Anh hoặc các anh chị giỏi tiếng Anh mà bạn tin tưởng để được tư vấn và định hướng. Nhờ việc đi hỏi các thầy cô, anh chị mà mình đã có một cái nhìn tổng quan hơn về bài thi và được cung cấp những gạch đầu dòng kiến thức, kĩ năng cần thiết để tự ôn tập, chuẩn bị và hoàn thành bài thi một cách hiệu quả.
Mình cho rằng nếu đã tự viết bài luận, tốt nhất không nên quá cứng nhắc. Bạn hãy xử lí từng khâu một cách linh hoạt thay vì tuân thủ từng bước quá chặt chẽ. Hãy đảm bảo bạn tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm, và sẽ thật tuyệt vời nếu như bạn có một mentor đồng hành cùng mình từ đầu đến cuối quá trình viết bài luận.
Bởi đã xác định chắc chắn không sử dụng dịch vụ của các trung tâm tư vấn du học, nên mình lên ý tưởng cho bài luận từ khoảng đầu tháng 6 khi kết thúc lớp 11. Mình ghi lại những quan sát, suy nghĩ thú vị của mình về cuộc sống xung quanh dưới dạng những gạch đầu dòng, bằng cách lưu vào cả điện thoại lẫn Google Drive. Sau mỗi 1-2 tuần, dựa vào những gạch đầu dòng đó, mình phát triển những ý nhỏ thành những đoạn tự sự ngắn về bản thân, lồng ghép những thông điệp mà mình mong muốn gửi gắm đến nhà tuyển sinh, chứ không hề lựa chọn một câu hỏi (prompt) cụ thể như nhiều bạn khác.
Mọi người thường hỏi mình rằng: “Làm thế nào để Phúc “chắc chắn” được rằng đó sẽ là phiên bản cuối cùng, mà không cần thêm bất kì một sự thay đổi về câu hỏi, chủ đề, nội dung hay thông điệp nào khác?” Câu trả lời của mình, thực ra không có gì ngoài hai chữ “cảm xúc.” Mình lựa chọn và tự tin với chủ đề bài luận chính của mình vì nó mang đến cho mình những cung bậc cảm xúc khác nhau mỗi khi viết hay đọc lại: từ sợ hãi, buồn bã đến an yên, vẹn tròn. Câu chuyện mà mình khai thác cho bài luận (về sự thấu cảm, luôn đặt mình vào hoàn cảnh và vị trí của đối phương) là một câu chuyện có thực đã xảy ra với mình nhiều năm về trước. Ngoài ra còn có thêm một chút sự sàng lọc về nhân vật tự sự, ngôn từ và sự kịch tính hóa trong tình tiết truyện để tăng sức hấp dẫn và thu hút của bài. Bên cạnh đó, mình cũng tái hiện một cách chân thực những nét tính cách của mình vào lúc bấy giờ (và chúng vẫn vẹn nguyên cho tới hiện tại) để ai đọc cũng có thể hiểu rõ về con người mình.
Và rồi thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” cũng đến. Khi hoàn thiện bản nháp bài luận, mình có gửi tới một vài người bạn là các anh chị đi trước xem và nhận xét giúp. Hầu hết những feedback khi ấy đều có cùng quan điểm rằng: “Bài em tuy hay, nhưng chưa đúng với prompt” hay “Bài em hình như bị lạc đề.” Lúc này, mình thực sự hoang mang và lo lắng, bởi nếu thay đổi toàn bộ bài viết vào thời điểm này thì chắc chắn sẽ mất thêm nhiều công sức, thời gian và có thể sẽ khiến bài viết bị vội. Mình đã cân nhắc rất kĩ lưỡng những góp ý của mọi người và quyết định “bê” bản nháp ấy sang một prompt khác, một prompt mà mình không nhớ đã được đọc qua trước đây. Và phép màu đã xảy ra: Sau khi lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia” thì bài viết của mình nhận được những phản hồi tích cực của đại đa số những người xem bài giúp mình. Họ khen câu chuyện và thông điệp của bài luận, đồng thời đưa ra những đề xuất hữu ích cho giai đoạn hoàn thiện bài và những lời động viên hết mực chân thành. Chính vì vậy mà không lâu sau đó, bản nháp đã nhanh chóng trở thành bản chính thức và được mình “copy-paste” một cách nhanh-gọn-lẹ vào hồ sơ Common App của mình để gửi đến các trường ED, EA và RD!
Mời bạn book lịch tư vấn với cố vấn Lê Huỳnh Phúc tại: http://bit.ly/mora_190731_le_huynh_phuc
🌐 MoraNow – nền tảng online kết nối học sinh Việt Nam và các du học sinh Mỹ đi trước
📖 Khám phá danh sách cố vấn và đặt lịch hẹn ngay bây giờ tại: http://bit.ly/mora_190731
🤝 Trở thành Đối tác Cố vấn trên Mora: http://bit.ly/mora_190731_counselor