MoraNow's Blog

Những bài viết & tin tức mới nhất đến từ MoraNow và các Cố vấn

NU vs LAC, and other things

Trong bài viết trước (https://blog.moranow.com/college-vs-university/), mình đã nói đến sự khác biệt giữa “university” và “college.” Và như đã hứa, tiếp theo trong bài viết này thì mình sẽ nói về việc phân loại các universities và colleges. Cụ thể hơn, mình sẽ nói đến các nhóm trường mà bảng xếp hạng US News phân loại, do bảng xếp hạng này rất nổi tiếng và hầu như ai cũng biết hoặc sẽ biết trong quá trình tìm hiểu việc apply đi Mỹ. Các bạn có thể (và nên) đọc về cách US News phân loại các trường và các tiêu chí khác được sử dụng trong việc xếp hạng tại đây: https://www.usnews.com/…/how-us-news-calculated-the-rankings

Theo US News thì các universities ở Mỹ được chia thành các National Universities (NU) và các Regional Universities (RU), và các colleges cũng được chia thành các National Liberal Arts Colleges (LAC) và các Regional Colleges (RC). Lưu ý là mặc dù LAC chỉ viết tắt cho Liberal Arts Colleges nói chung chứ không phải các trường National nói riêng, ở Việt Nam mọi người đều tự động hiểu LAC là chỉ các trường National.


NU vs LAC vs RU/RC

NU

Các NUs là các trường đại học lớn, dạy hầu hết tất cả các chuyên ngành, trao cả bằng Thạc sĩ (Master’s) và Tiến sĩ (Doctorate), và nhấn mạnh vào việc nghiên cứu. Một số trường có thể có các lớp học nhỏ (<20 học sinh), nhưng phần lớn các NUs có các lớp học lớn. Các giáo sư ngoài việc giảng dạy cũng giành nhiều thời gian vào việc nghiên cứu, và thường sẽ cần có 1-2 trợ giảng (TA – Teaching Assistant, thông thường là các học sinh học cao học đang được giáo sư hướng dẫn). Một số tiết học giáo sư sẽ không dạy mà là các trợ giảng dạy, và các trợ giảng cũng sẽ thay mặt giáo sư giải đáp thắc mắc và khó khăn của học sinh trong việc học.

LAC

Các LACs tập trung vào giáo dục ở bậc đại học, và chỉ có một số ít có các chương trình nghiên cứu ở bậc cao học. Theo tiêu chí phân loại của US News, để một trường được xếp vào nhóm LAC thì ít nhất 50% số bằng được trao phải thuộc về các ngành liberal arts. Các LACs thường có lớp học nhỏ và khuyến khích sự tương tác cao giữa giáo sư và học sinh. Các giáo sư thường chỉ tập trung vào giảng dạy và không dành quá nhiều thời gian vào việc nghiên cứu, do đó các giáo sư cũng sẽ trực tiếp làm việc cùng học sinh nhiều hơn.

RU & RC

Các RUs giảng dạy ở bậc Cử nhân và Thạc sĩ giống như các NUs, nhưng thường có rất ít hoặc không có các chương trình Tiến sĩ. Các RCs giảng dạy ở bậc Cử nhân như các LACs nhưng dưới 50% số bằng được trao là thuộc về các ngành liberal arts. Nói chung, các trường Regional cũng đều cung cấp nền giáo dục giống như các trường National, nhưng ở một quy mô nhỏ hơn và chủ yếu phục vụ cho một khu vực nhất định. Điều này không có nghĩa là các trường Regional kém hơn các trường National – có nhiều trường hợp các công ty ở trong một khu vực sẽ đánh giá cao học sinh ở một trường Regional tốt, hơn là học sinh ở một trường National trung bình.


NU có thật sự tốt hơn LAC không?

Về việc này thì đầu tiên mình sẽ nói một chút về cách hiểu của mình về liberal arts, vì ở trên mình nói về nó hoài mà chưa có giải thích nó là gì. Đây cũng là hot trend hiện nay vì các trường cấp 3, đại học liberal arts – “khai phóng” – ở Việt Nam đang mọc lên ầm ầm, và chắc hẳn điều mà các bạn trẻ cũng như các phụ huynh quan tâm là: liberal arts là cái gì, và có mài ra mà ăn được không?

Khác với ngành học chuyên sâu về một nghề nghiệp nào đó, ví dụ như kỹ sư, tài chính, quản trị doanh nghiệp, bác sĩ, etc., liberal arts được hiểu nôm na là các môn học cơ bản cho sự phát triển của con người, ví dụ như nghệ thuật, triết học, tôn giáo học, toán học, các ngành khoa học xã hội (lịch sử, tâm lý học, nhân chủng học, etc.) và khoa học tự nhiên (sinh học, hoá học, vật lý, etc.).

Đặt trong bối cảnh giáo dục đại học ở Mỹ, các trường liberal arts chú trọng việc giáo dục ở các môn cơ bản nhằm đạo tạo ra những học sinh toàn diện, là những người “biết nghĩ” (thinkers); còn các university đã cụ thể hoá các môn cơ bản thành các chuyên ngành, chuyên môn hướng đến việc giúp học sinh chuẩn bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các nghề nghiệp khác nhau.

Mình thấy nhiều bạn thường cho rằng học NU sẽ tốt hơn vì có ngành nghề cụ thể dẫn đến công việc cụ thể. Tuy nhiên, sự chú trọng vào việc phát triển con người và khả năng tư duy ở LAC cho phép học sinh khám phá các lựa chọn khác nhau. Và thực tế là các NU đều hiểu điều này, và rất nhiều trường lựa chọn dạy học sinh ở bậc Cử nhân về liberal arts: Harvard College, Yale College, Columbia College, etc. đều là các LAC dành cho học sinh bậc Cử nhân nằm trong Harvard, Yale, Columbia, etc.

Một việc khác mà nhiều bạn cũng quan tâm là việc học các ngành STEM. Ở mặt này thì các NU với cơ sở nghiên cứu mạnh sẽ là những lựa chọn phù hợp hơn. Tuy nhiên, việc này không có nghĩa là các bạn học LAC không thể theo đuổi các ngành khoa học kỹ thuật, mà chỉ là các bạn sẽ cần chủ động học các kỹ năng cần thiết cho ngành nghề mình theo đuổi. Rất nhiều học sinh học đại học ở LAC để phát triển khả năng tư duy và khám phá bản thân, sau đó học Thạc sĩ/Tiến sĩ ở các NU để học tập chuyên sâu vào ngành mà mình xác định là sẽ theo đuổi.


Như vậy, việc NU hay LAC tốt hơn cho bạn thực chất hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn muốn thu nhận được gì từ quá trình học đại học. Ngoài ra, như mình đã từng viết trong một bài viết trước đây (5’ quảng cáo: https://blog.moranow.com/chon-truong-o-my-sau-khi-co-ket-q…/), có rất nhiều yếu tố khác bạn cần phải cân nhắc khi chọn trường. NU hay LAC chỉ là một trong các yếu tố đó, và bạn hãy nghiên cứu, phân tích và cân nhắc một cách toàn diện trước khi đưa ra quyết định của mình.