Đó là những trải nghiệm có 1-0-2 của những du học sinh Mỹ trở về Việt Nam giai đoạn đầy căng thẳng này. Vẫn ngày ngày “lên lớp” và làm bài tập, nhưng không phải ở trường, ở thư viện, ở kí túc xá, mà là tại ngay chính ngôi nhà thân thuộc của mình.
Hành trình trở về của các bạn ấy diễn ra như thế nào? Việc học online từ xa có gặp nhiều khó khăn không? Các bạn ấy dự định sẽ làm những gì trong thời gian tới?
Hãy cùng MoraNow trò chuyện với hai cố vấn Phạm Đức Kiên (Bowdoin College – #5 LAC) và Lê Huỳnh Phúc (Grinnell College – #11 LAC) để tìm hiểu về cuộc sống của du học sinh Mỹ tại Việt Nam trong giai đoạn này nhé!
Chào Kiên và Phúc! Chị thấy có khá nhiều ý kiến trái chiều về việc trở lại Việt Nam khi Mỹ bùng dịch. Không biết lúc đó hai bạn có phải đấu tranh tâm lý dữ dội lắm không?
Kiên: Thực ra mọi thứ ập đến với em khá bất ngờ, nên cũng không có thời gian để suy nghĩ sâu xa cho lắm, chưa kể trường em còn tài trợ tiền vé máy bay nên càng ít lí do để em phải lăn tăn. Em vẫn nhớ đó là ngày thứ hai của kì nghỉ xuân, em nhận được email từ trường báo rằng sẽ đóng cửa, chỉ dạy online trong thời gian tới vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Quả thực ngay lúc đó em đã khá hoang mang không biết mình sẽ đi đâu về đâu. Thậm chí trước đó 2 tháng, em còn vừa trở lại Mỹ từ Việt Nam sau kì nghỉ đông, và cho rằng dịch ở Châu Á thì sẽ khó mà lan được sang tận Mỹ.
Phúc: Em cũng quyết định nhanh lẹ như anh Kiên đó chị. Em vẫn nhớ hôm đó là Thứ 3 ngày 10/03, trường gửi email báo sau kì nghỉ xuân toàn bộ học sinh sẽ học online. Ngay lúc đó, em và một người bạn của mình tính sẽ trở về Việt Nam, không chút do dự. Nhưng trái với nhiều người, ba mẹ em muốn em ở lại Mỹ do lo lắng việc di chuyển nhiều nơi sẽ nguy hiểm hơn ngồi yên trong nhà. Em biết điều đó, nhưng không muốn đánh đổi những cảm giác tiêu cực về mặt tinh thần khi phải ở trong phòng một mình suốt nhiều tháng, không được tiếp xúc với mọi người, nên đã tự đặt vé máy bay rồi mới báo lại với ba mẹ.
Nếu mọi thứ diễn ra nhanh tới vậy thì có lẽ công cuộc chuẩn bị cho chuyến bay cũng “cập rập” quá nhỉ?
Kiên: Vâng chị, từ khi em nhận email của trường cho tới khi em lên máy bay chỉ gói gọn trong vỏn vẹn 5 ngày. Trước khi mua vé, em đã tới trường và hỏi kĩ xem nếu em về Việt Nam giai đoạn này thì chuyện học hành và công việc sau này có bị ảnh hưởng gì không. Ngay sau đó là làm thủ tục vé máy bay, liên lạc nhờ người chứa đồ đạc của em tại Mỹ, và thu xếp những món đồ còn lại vào vali, balo nhanh chóng. Quần áo, sách vở, máy tính, rồi một vài đồ phòng dịch như khẩu trang, găng tay, thuốc khử trùng, khăn khử trùng, cồn.
Phúc: Em làm mọi thứ cũng cập rập tương tự, nhưng có lẽ vì lo lắng nên em chuẩn bị khá cầu kì. Trước khi ra sân bay, em “đầu tư” hẳn 12 cái khẩu trang N95. Bạn em và một vài anh chị cùng đoàn chưa kịp chuẩn bị nên đã mua lại của em một nửa số đó. Nhưng không sao, em còn cả khẩu trang y tế màu xanh nữa, và thực ra như thế đã là rất nhiều rồi, nên sau 3 chuyến bay em vẫn còn dư ra tận 2 cái. Bên cạnh khẩu trang, em còn cẩn thận xin găng tay từ phòng thí nghiệm của trường, mang theo nước rửa tay và hộp khăn giấy để lau mọi nơi trước khi ngồi xuống nữa.
Đúng là vội mấy thì vội, an toàn vẫn phải đặt lên trên hết nhỉ! Thế rồi chuyến bay có diễn ra theo đúng quy trình “an toàn” mà các em đã hình dung trong đầu không?
Kiên: À, rất may mắn là em có quen một bác giáo sư người Việt Nam, và bác ấy đã chở em cùng đứa bạn đi từ trường tới thẳng sân bay, thành ra em không phải đi xe bus. Vậy là giảm được hẳn một nguy cơ lây nhiễm lớn. Lên máy bay, em khá bất ngờ vì nó vắng quá – tất cả hành khách đều là sinh viên Việt Nam về nước. Mỗi người ngồi một góc nên chỉ chiếm nửa diện tích máy bay. Em đeo khẩu trang và lau ghế cẩn thận trước khi ngồi nên cũng không cảm thấy quá lo lắng.
Phúc: Em thì “làm tới” hơn anh Kiên một chút chị ạ! Cả ở sân bay và trên máy bay em đều lau tay ghế, lòng ghế và bàn ăn – đụng đâu lau đấy – trước khi ngồi xuống. Đặc biệt trên máy bay là không gian kín nên em đã quyết định nhịn không ăn gì cho yên tâm, nhỡ đang ăn virus bay vào miệng (chẳng hạn có ai hắt xì)!! Nghĩ lại em thấy mình làm cũng hơi “lố”, vì như thế thực tế cũng chưa chắc đã kiểm soát được hoàn toàn, nhưng ít nhất nó khiến em cảm thấy rằng mình đang kiểm soát được tình hình một cách chủ động, và bản thân an tâm hơn được phần nào khi xuống tới sân bay Tân Sơn Nhất. À, em cũng có mang áo mưa theo nhưng sợ bị “đánh” nên không dám mặc.
Chị thấy cả hai đều bảo vệ tốt bản thân đó chứ, thậm chí nghe rất chuyên nghiệp! Mà chị nhớ lúc Phúc và Kiên về nước, quy định cách li tập trung chưa được tuyên bố, nên chắc cả hai đều tự cách li tại nhà nhỉ?
Kiên: Thực ra em đã chuẩn bị tinh thần cách li tập trung rồi đấy chứ! Nhưng trưa ngày 17/3 em hạ cánh thì nhận được thông báo mới: sang đầu ngày 18/3 mới thực hiện cách li tập trung. Thế là gia đình đưa em tới nhà cũ của ông bà để sống một mình trong hai tuần. Đồ ăn đã được tích đủ trong tủ lạnh nên em tự sinh hoạt giống như lúc đang đi du học vậy. Đến ngày thứ 11, phường gọi điện cho em hỏi xem tình hình sức khoẻ thế nào, qua đưa giấy cho em làm thủ tục cách li chính thức và treo biển rất to trước cửa nhà là “Khu vực cách li”. Thi thoảng em ngồi trong nhà cũng nghe thấy bên ngoài hàng xóm hỏi nhau: “Nhà này có người cách li à?”, nhưng mọi người cũng hỏi thế thôi chứ không tỏ ra quá lo lắng, sợ hãi hay gì hết.
Phúc: Em thuộc nhóm du học sinh về Việt Nam sớm nhất, nên khi đó cũng chưa có lệnh cách li tập trung. Em cách li tại nhà, và khu xóm của em khá vắng vẻ nên cũng không ai để ý hay lời ra tiếng vào. Nhìn chung rất là bình yên. Mỗi tội, ở trong nhà nhiều khá là chán, nên em chỉ có thể giải trí bằng việc xem phim trên laptop.
Mà nếu chị không nhầm, lúc các em vừa kết thúc quá trình tự cách li thì cũng là lúc chính phủ ra lệnh giãn cách toàn xã hội phải không? Phúc và Kiên đã “sống giữa hai đất nước” như thế nào trong suốt 1 tháng đó?
Kiên: Đúng rồi ạ. May mắn là trường em không yêu cầu phải học trực tuyến tương tác, nên nếu có lớp vào buổi chiều (tức là đêm ở Việt Nam), giáo sư sẽ ghi âm bài giảng cho bọn em. Vậy nên em được sinh hoạt theo giờ Việt Nam, cảm thấy khá là thoải mái. Tuy nhiên, làm bài tập ở nhà đôi lúc khó tập hơn thật.
Phúc: Thú thực đây là lần đầu tiên trong đời em ở trong nhà 28 ngày liên tiếp mà không bước chân ra đường. Việc “sống giữa hai đất nước” đối với em thì không quá khó, vì kì này em có 5 lớp, trong đó chỉ có một lớp học trực tuyến tương tác (giáo viên và học viên phải có mặt cùng thời điểm). Ở các lớp còn lại, bài giảng sẽ được đăng lên, em có thể xem bất kì lúc nào và nếu có thắc mắc thì email hoặc tham gia vào các khung giờ hỗ trợ trực tuyến. Tiếc là em thường không tham gia được vì khung giờ đó là 5-6h sáng Việt Nam. Em đành xem bài giảng rồi làm bài tập.
Vậy hai bạn nhận xét gì về trải nghiệm học online từ xa?
Kiên: Em nghĩ khó khăn lớn nhất của việc học online là nó làm thay đổi bản chất của Liberal Art. Trước đây, khi ở trường, bọn em được chia thành từng lớp nhỏ để dễ trao đổi ý tưởng với các bạn trong lớp và xây dựng mối quan hệ với giáo sư. Nhưng hình thức học online khiến em gặp khó khăn trong việc truyền đạt ý tưởng của mình khi làm việc nhóm, và giữ mối quan hệ với giáo sư cũng khó hơn nhiều. Hiện tại em đang khắc phục bằng cách chủ động facetime với các bạn nhiều hơn, mong là nó sẽ hiệu quả. Dù sao, điểm tốt của việc học online tại nhà là tâm lý của em rất thoải mái, vững vàng. Nếu giờ này đang ngồi trong kí túc xá trường tại Mỹ, em nghĩ bản thân sẽ cảm thấy không yên tâm và khó mà tập trung được hoàn toàn để làm bài tập.
Phúc: Khó khăn của em lại nằm ở không gian học. Nếu ra cafe ngồi, em sẽ xử lí được khá nhiều đầu việc, nhưng ở nhà thì ngược lại, năng suất của em giảm đi đáng kể. Em dễ buồn ngủ khi học trong nhà, nhìn chung khả năng tập trung ở nhà của em rất kém. Có lẽ vì thế mà giờ sinh hoạt của em cũng không được khoa học cho lắm: sáng dậy muộn, tối 7-8h lăn ra ngủ, sau đó lại dậy làm việc tới khuya. Em đang cố gắng khắc phục bằng cách thử dậy sớm hơn, hoàn thành công việc sớm hơn để có thể đi ngủ sớm. Điểm tốt của việc học ở nhà là nếu mọi người trong gia đình cần em giúp đỡ hay hỗ trợ gì thì em sẽ có mặt để thực hiện. Trước đây đi du học, nên em chẳng giúp gì được cho gia đình cả, và em khá buồn khi nghĩ tới điều đó.
Nghe chừng việc học online cũng đáng quan ngại đấy nhỉ. Chị thấy tình hình ở Mỹ vẫn đang căng thẳng quá, không biết hai em có dự định gì cho năm học tới chưa?
Kiên: Em hi vọng tới mùa hè mọi thứ sẽ ổn định hơn. Hiện tại em dự định hè này sẽ thực tập ở Việt Nam, sau đó nếu quay được trở lại Mỹ từ đầu kì tiếp theo thì tốt quá. Tuy nhiên theo như email mới nhất từ trường em, tình hình có vẻ chưa khả quan lắm. Có thể bọn em sẽ phải học online ở kì kế tiếp. Nhà trường vẫn đang lập kế hoạch đưa ra mô hình phù hợp để truyền tải kiến thức cho học sinh và đảm bảo trải nghiệm xứng đáng với mức học phí mà bọn em đã bỏ ra. Vì thế nên có thể em sẽ còn ở lại Việt Nam khá lâu và tiếp tục học online như vậy. Thực ra em rất mong chờ khoảng thời gian tới vì bản thân sẽ vừa được tiếp tục học tập, vừa được có trải nghiệm môi trường làm việc ở Việt Nam. Đúng thật là sống giữa hai đất nước chị ạ.
Phúc: Trường em chưa có thông báo chính thức, nhưng em cũng dự đoán là nếu không học online tiếp thì trường cũng sẽ hoãn kì tiếp theo một vài tháng. Trong trường hợp trường ra quy định học online, em tính sẽ xin “gap” (nghỉ) một kì, vì sau giai đoạn này em nhận thấy mình học online không hiệu quả. Em bị thiếu tương tác với giáo viên, và không được đến phòng thí nghiệm đối với các môn khoa học. Em cũng thiếu động lực để thử thách bản thân nhiều hơn, do ở nhà có khá nhiều yếu tố gây xao nhãng, và em cảm thấy bản thân chưa đủ cứng để loại bỏ được những yếu tố đó ra khỏi lịch sinh hoạt của mình. Trong thời gian gap, em dự định kiếm một công việc liên quan đến nghiên cứu tại Việt Nam và theo nó cho tới khi nào được đi học bình thường trở lại.
Cám ơn Kiên và Phúc về những chia sẻ rất cụ thể và thú vị này nhé! Chúc hai bạn sẽ có những trải nghiệm đáng mong chờ tại Việt Nam trong thời gian tới!