Kì vọng của người thân, bạn bè, và thậm chí cả những người xa lạ liệu có đang tạo áp lực quá lớn lên các bạn du học sinh hay không? Đặc biệt là khi hình dung của người trong nước có nhiều phần chưa chính xác về cuộc sống du học.
Trong bài viết này, MoraNow đưa ra những góc nhìn thực tế từ phía du học sinh, từ đó hi vọng sẽ giúp mọi người xung quanh hiểu hơn về cuộc sống ở nước ngoài của các bạn ấy.
1. Làm ra tiền gửi về cho bố mẹ
Mức lương khởi điểm ở nước ngoài cao hơn khá đáng kể so với mức lương ở Việt Nam. Vì vậy mà nhiều người cho rằng du học sinh sau khi ra trường có thể kiếm được một khoản “kếch xù” và “báo hiếu” cha mẹ hàng tháng. Nhưng thực chất, sau khi trừ đi tiền thuế cá nhân, tiền thuê nhà, tiền ăn uống, xăng xe và các sinh hoạt phí khác, du học sinh chỉ tiết kiệm được từ 1/4 tới 1/3 lương tháng của mình. Khoản dư này nên được giữ riêng để phòng trường hợp đặc biệt cần sử dụng đến tiền như mua sắm đồ dùng, mất cắp, hoặc đơn giản hơn là thi thoảng đi du lịch cùng bạn bè. Sử dụng đồng tiền mình kiếm được để đi du lịch không có gì là ích kỉ, bởi mục đích của việc du học, ngoài học tập ra, còn là khám phá thế giới khi còn trẻ. Ngay từ thời điểm xác định cho con đi du học, hầu hết các gia đình đều đã chấp nhận đó là một khoản đầu tư không cần thu lời. Nhưng đôi khi, những người ngoài cuộc lại đặt ra câu hỏi: “Thế cháu nó có gửi được đồng nào về cho bố mẹ không?”. Nếu cho con đi du học, việc con có thể tự lo cho bản thân về mặt tài chính sau khi ra trường đã là một điều rất đáng quý, không nhất thiết con phải “làm ra đủ” để gửi về cho cha mẹ.
2. Xin được việc ở nước ngoài
Xin việc ở Việt Nam cạnh tranh như thế nào, thì xin việc ở nước ngoài cũng cạnh tranh y như vậy, thậm chí còn khốc liệt hơn, bởi du học sinh mang danh “sinh viên quốc tế”. Có nhiều tấm gương xin được việc ở những công ty nổi tiếng và ở lại nước ngoài định cư, nhưng con số đó là rất nhỏ trên tổng số du học sinh quốc tế. Họ thường có những khả năng nổi bật, tốt nghiệp từ các trường đại học danh giá, điểm phẩy cao, cộng thêm một chút may mắn. Được nhận vào công ty nước ngoài không hề đơn giản, nên nếu như con nộp hồ sơ hết tháng này qua tháng khác, với số lượng lên tới 200 hay kể cả 500 công ty mà vẫn chưa được nhận đi làm, cha mẹ cũng chớ nên vội quy chụp rằng do con chưa cố gắng đủ, hoặc do con chưa giỏi đủ. Có rất nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động vào quá trình xin việc của con: số lượng vị trí trống ở mỗi công ty vào thời điểm con nộp đơn, trình độ của các thí sinh nộp đơn cùng lúc với con, sự giao thoa giữa văn hoá công ty và tính cách của con, những vấn đề liên quan đến visa khiến các công ty hiếm khi tài trợ visa cho sinh viên quốc tế… Con làm việc ở đất nước nào không quan trọng, mà con sẽ phát triển tốt nhất ở đâu, con phù hợp với môi trường như thế nào, mới là điều quan trọng.
3. Về nước kiếm việc lương ngàn đô
Đã xa rồi cái thời người ta coi rằng đi du học là một điều gì đó quá xa xỉ và chỉ dành cho những người tài giỏi. Ngày nay các suất học bổng không còn “hiếm có khó tìm”, nên học sinh thuộc diện trung lưu hoặc hoàn cảnh khó khăn vẫn có cơ hội đi du học. Ngược lại, kinh tế Việt Nam cũng đã có nhiều bước tiến khá rõ rệt so với trước đây, nên những học sinh chưa đủ khả năng kiếm học bổng mà gia đình có điều kiện cũng có thể dễ dàng đi du học. Nhìn chung, đi du học giờ đây chỉ là một lựa chọn giữa hàng ngàn ngã rẽ như trường công, trường tư, trường quốc tế. Bởi vậy mà có du học sinh về nước với bộ hồ sơ nổi bật, trở thành những ứng viên sáng giá cho các tập đoàn lớn, nhưng cũng có những du học sinh về nước với tư duy và kĩ năng tương đương với các bạn học đại học tại Việt Nam. Mọi thứ đều rất công bằng, không phải cứ là du học sinh thì nghiễm nhiên nhận lương ngàn đô được. Tất cả vẫn nằm ở sự cố gắng và nhận thức của các bạn ấy.
4. Dùng tiếng Anh giỏi như người bản ngữ
Không phủ nhận rằng việc đi du học giúp cải thiện toàn bộ kĩ năng tiếng Anh của các bạn du học sinh, nhưng điều đó không có nghĩa là du học sinh nào cũng trở nên thành thạo tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Tuỳ vào điểm xuất phát, tần suất tiếp xúc với người bản địa, khoảng thời gian du học và rất nhiều yếu tố khác, mà trình độ của mỗi người sẽ được cải thiện ở các mức độ khác nhau. Hơn nữa, việc có thể phát âm y hệt người bản ngữ là không cần thiết, bởi khi đi du học và làm việc tại nước ngoài, các bạn ấy thực chất chỉ cần nói sao cho họ hiểu, từ đó làm tốt việc của bản thân là được. Vậy nên, đừng đánh giá thấp một du học sinh chỉ vì bạn ấy không nghĩ ra được một từ tiếng Anh phù hợp để dịch sang giúp ai đó; đừng kì vọng bạn ấy phải phát âm như một người bản ngữ; đừng cười chê nếu bạn ấy vẫn còn sai một vài lỗi ngữ pháp cơ bản. Và hơn hết, đừng đánh đồng một cá nhân với toàn bộ du học sinh.
5. Phải thật hào phóng, không keo kiệt
Khi nhìn thấy một du học sinh nào đó cố gắng tiết kiệm chi tiêu dịp về thăm nhà, có những người cho rằng như thế là “keo kiệt thái quá”, trong khi “ở bên kia đắt đỏ thế mà vẫn tiêu tiền veo veo”. Họ mặc định rằng du học sinh thì phải hào phóng, sẵn sàng khao bạn dăm ba bữa ăn, sẵn sàng mua sắm tẹt ga vài ba bộ quần áo, sẵn sàng mua quà về cho anh em họ hàng. Nhưng họ đâu biết rằng, cũng chính bởi chi phí sinh hoạt ở nước ngoài quá tốn kém nên các bạn ấy mới phải tiết kiệm triệt để, tránh chi tiêu vào những thứ không quá cần thiết. Mọi người ở nhà cũng không nên trông ngóng hoặc đùa khéo chuyện quà cáp, bởi nó tạo ra áp lực khá lớn cho du học sinh, từ đó cũng có thể sẽ khiến các bạn ấy lăn tăn và chi tiêu lãng phí.
▶️ ĐĂNG KÝ NHẬN BUỔI TƯ VẤN DU HỌC MIỄN PHÍ TẠI: https://bit.ly/mora_free_consulting
———————-
🌐 MoraNow – nền tảng online kết nối học sinh Việt Nam và các du học sinh Mỹ đi trước
📖 Khám phá danh sách cố vấn và đặt lịch hẹn ngay bây giờ tại: https://bit.ly/Mora_200723
🤝 Trở thành Đối tác Cố vấn trên Mora: https://bit.ly/mora_200723_counselor