“Ép bản thân học ngành mình không thích chỉ để kiếm nhiều tiền giống như tự ép mình cưới người giàu có mà mình không yêu.”
Đó là suy nghĩ của một cậu học sinh cấp 3, và cho tới giờ khi đã là sinh viên song bằng tại 2 trường Đại học top đầu thế giới – Sciences Po (Pháp) và Columbia University (Mỹ) – niềm tin đó vẫn chưa từng lung lay.
Với Jason Trịnh – một cố vấn trên nền tảng MoraNow – Khoa học Xã hội còn hơn cả một sự lựa chọn. Nó là tri thức, là đam mê, là cả thế giới.
Hãy cùng MoraNow lắng nghe những chia sẻ của Jason về cách bạn ấy phát hiện ra đam mê của mình và làm thế nào để theo đuổi đam mê ấy tới cùng!
– Chị được biết Jason học song bằng Khoa học Chính trị ở Sciences Po (Paris) và Columbia University (Mỹ). Điều gì trong quá khứ đã đưa em tới quyết định đi du học ngành này?
– Thực ra trước đây, bố mẹ chưa bao giờ định hướng cho em đi du học. Cho tới khi em đỗ vào trường cấp 3 Hà Nội – Amsterdam, một môi trường mà hầu như ai cũng đi du học, em mới cảm thấy rằng đây cũng là một lựa chọn mình có thể thử sức. Thời điểm nhận ra mình muốn được học sâu hơn về Chính trị và Quan hệ Quốc tế, em liền quyết định sẽ đi du học. Dù ở Việt Nam cũng có nhiều nơi đào tạo ngành này khá tốt, nhưng em cảm thấy đã muốn học Chính trị thì nên đi ra khỏi đất nước mình, để có cái nhìn rộng hơn về Chính trị và Xã hội trên toàn thế giới.
– Chị tự hỏi không biết có phải việc học chuyên Văn ở Ams đã một phần nào đó khiến em nhận ra mình thích học Chính trị không?
– Em nghĩ mình vẫn luôn thích Chính trị, chẳng qua mình không biết những thứ ấy là Chính trị mà thôi. Hồi đó, em quyết định thi vào chuyên Văn là vì văn học luôn làm em cảm thấy thích thú. Em có thể dành hàng giờ đọc văn bản để tìm hiểu về tình hình thế giới và tình hình trong nước. Sau khi vào Ams, em tham gia tổ chức MUN (Model United Nations) và ngày càng thích các hoạt động tại đó hơn. Được một thời gian, em cảm nhận khá rõ rệt rằng Khoa học Xã hội nói chung hay Khoa học Chính trị nói riêng là ngành học mình nhất định sẽ thích.
– Bây giờ khi đã ngồi trên giảng đường Đại học, nghĩ lại về quyết định ngày ấy, em thấy đây vẫn là lựa chọn “đúng đắn” chứ?
– Vâng, 3 năm học của em ở Ams đã làm em đưa ra những lựa chọn mà trước kia em chưa bao giờ nghĩ tới. Em chưa từng một lần nghĩ mình sẽ học Chính trị. Đến giờ, em thấy lựa chọn của mình khá đúng vì em thích những gì mình đang học. Tuy nhiên, em cũng cân nhắc một vài con đường khác như Luật. Mà tất nhiên Luật và Chính trị liên quan mật thiết tới nhau, nói vui là giống như hai anh em vậy, nên thực ra nó vẫn không rời xa Chính trị.
– Có vẻ như em luôn nói rằng mình “cảm thấy”, và mình “thích” Chính trị. Nhưng liệu ngày ấy, em đã nghĩ tới việc sẽ làm nghề gì, làm ở đâu sau khi tốt nghiệp ngành học này chưa?
– Thực ra, em thấy mọi người thường có một thói quen không hay lắm khi chọn ngành, đó là đưa ra những tiêu chí như ngành nghề này có “hot” không, có kiếm được nhiều tiền không. Cảm giác như đó là những tiêu chí lớn nhất mà họ dùng để chọn ngành nghề. Em chưa đi làm nên cũng chỉ muốn nêu quan điểm của cá nhân mình thôi, rằng đó không phải cách tốt nhất để chọn cho mình một ngành nghề phù hợp. Nếu được đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ, em vẫn tin rằng chọn ngành dựa trên sở thích và đam mê là cách lựa chọn tốt hơn. Một vài anh chị đi trước trong ngành từng nói với em rằng cứ học trước đi đã, sau này làm việc gì có thể tính sau. Vì thực ra, nếu không thích những gì mình học thì mình chẳng để tâm, rồi học cũng bằng không, rất uổng phí. Chẳng hạn như mẹ em, trước đây thi vào Đại học Sư phạm chỉ vì ngành giáo viên thời đó rất “hot” và dễ kiếm tiền. Tuy mẹ không hối hận về lựa chọn đó, nhưng hiện tại mẹ đang làm trái ngành, và bởi vậy chưa bao giờ bố mẹ ép buộc em chọn ngành học theo nghề nghiệp “kiếm ra nhiều tiền”. Mọi thứ đều chỉ là tương đối, những ngành đang nổi ở thời điểm hiện tại chưa chắc đã kiếm được nhiều tiền như vậy sau 10-20 năm nữa. Nói tóm lại, việc ép bản thân học một ngành mình không thích giống như tự ép mình cưới một ai đó mà mình không yêu. Có thể bản thân vẫn chịu đựng được, nhưng mình sẽ cảm thấy không vui và cuộc sống trở nên khó khăn hơn một chút.
– Nếu em thích ngành học này tới vậy thì chắc hẳn nó phải thú vị lắm nhỉ? Chị rất muốn có cái nhìn cụ thể hơn về các ngành Khoa học Xã hội. Em sẽ được học những gì?
– Có thể việc học cấp 3 ở Việt Nam nói riêng và môi trường học ở Việt Nam nói chung làm cho một số trong chúng ta cảm thấy Khoa học Xã hội dường như là một ngành không áp dụng được nhiều vào thực tiễn, nhưng khi sang Pháp, em được học về Lịch sử, Xã hội học, Khoa học Chính trị, Kinh tế,… Đặc biệt, Sciences Po là một môi trường học rất chú trọng Khoa học Xã hội (ngôi trường được mệnh danh là Harvard của Pháp vì 7 Tổng thống Pháp từng học tại đây), nên em cũng nhận ra rằng Khoa học Xã hội hay hơn rất nhiều so với những gì mình từng biết về nó khi còn ở Việt Nam.
Chẳng hạn, học sinh mình luôn chán học Lịch sử vì suốt ngày phải học thuộc và “nhai đi nhai lại” những thứ đã xảy ra. Còn ở đây, em áp dụng được kiến thức Lịch sử để làm rất nhiều điều thú vị. Em được học cách kiểm tra nguồn, học đối chiếu các ghi chép lịch sử khác nhau, học cách viết luận về lịch sử sao cho thuyết phục. Để làm được những điều này, em cần rèn luyện critical thinking (tư duy phản biện), khả năng nghiên cứu, và phải nắm kiến thức rất chắc để hiểu rõ vấn đề. Nếu chỉ học thuộc thông tin trên mạng thôi thì sẽ không thể làm được bài kiểm tra Lịch sử hay các môn Khoa học Xã hội tại đây.
Khoa học Xã hội cũng áp dụng được vào rất nhiều thứ mà mọi người không ngờ đến. Ví dụ gần gũi hơn một chút chính là việc phòng chống đại dịch đang xảy ra trên thế giới. Việc phòng chống như thế nào, đưa ra chính sách gì, điều chỉnh kinh tế ra sao, học từ các bài học Lịch sử như thế nào (vì đã từng có những trận đại dịch tương tự trong quá khứ),… tất cả đều thuộc phạm trù của ngành Khoa học Xã hội. Khoa học Xã hội chính là Kinh tế, là Chính trị, là Luật, là Xã hội học.
Sự thật là bên cạnh Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội có nhiều ý nghĩa hơn mọi người tưởng. Nếu không có Khoa học Xã hội, chúng ta sẽ không thể có nhà nước hay đơn giản hơn là các nhà nghiên cứu. Chẳng hạn, “Xã hội học” hay được coi là cái gì đó nghe “ngớ ngẩn”, nhưng đó chính là cái nôi của những người làm về quyền con người, đứng lên đấu tranh cho LBGT, quyền phụ nữ, quyền dân tộc thiểu số,…
– Nghe em kể xong, chị nghĩ là mình cũng thích Khoa học Xã hội mất rồi… Vậy khi ra trường, em và các bạn khác cùng ngành sẽ có những lựa chọn nghề nghiệp nào?
– Cũng như các ngành học khác, cơ hội nghề nghiệp dành cho sinh viên Khoa học Xã hội vô cùng rộng mở chị ạ. Kinh tế, Marketing, Luật,… tất cả đều nằm trong phạm trù ngành này, và các bạn có thể làm ở các tập đoàn lớn, các công ty tư nhân, tham gia vào các NGOs (tổ chức phi chính phủ) hoặc thậm chí các tổ chức chính phủ ở những vị trí liên quan đến chuyên ngành của mình. Tất nhiên nếu học chuyên ngành Chính trị, Kinh tế thì việc vào chính phủ là một lựa chọn sát sườn. Các bạn cũng có thể đi làm ở các toà án quốc tế, hay các tổ chức của Liên Hợp Quốc.
Ngoài ra, cũng nhiều bạn lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học hoặc giảng dạy. Trong số các giảng viên của em, có rất nhiều người tốt nghiệp Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ từ các trường lớn. Một trong số đó học PhD ở Đại học Oxford về Soviet Economy (Nền kinh tế Liên Xô) – một chuyên ngành nghe rất “ngách” phải không chị? Đó là một ví dụ cho thấy rằng thực chất không bao giờ thiếu việc để chúng ta lựa chọn, quan trọng là mình có đủ đam mê hay không mà thôi.
Nhìn chung, tìm việc vẫn luôn là một điều khó khăn đối với bất kì ai, không riêng gì các bạn học Khoa học Xã hội, dù công việc thì chẳng bao giờ thiếu. Vì thế mà em vẫn đi theo quan điểm của mình, rằng khi còn trẻ, chúng ta nên chọn học thứ mình thích. Cứ nghĩ đến cảnh học gì đó mình không thích, rồi ra trường không thành công ngay được, tâm lý còn đáng sợ hơn gấp mấy lần, chắc chắn lúc ấy sẽ mông lung lắm.
– Chị rất thích quan điểm này của Jason. Nó mới lạ và “an toàn” theo một cách rất khác. Chị tin rằng em sẽ luôn vui vẻ và hạnh phúc trên chặng đường học tập và làm việc sắp tới. Cảm ơn em vì đã luôn là một cố vấn nhiệt tình trên nền tảng MoraNow trong thời gian vừa qua!
– Em cảm ơn chị và đội ngũ MoraNow. Hi vọng rằng thời gian tới em có thể giúp đỡ được nhiều bạn học sinh hơn nữa qua nền tảng của bên mình. Em chúc MoraNow và các bạn học sinh những điều tốt đẹp nhất!
—————————
Bài phỏng vấn Jason Trịnh – một cố vấn trên nền tảng MoraNow.
Sinh viên tại trường Đại học Columbia (Mỹ) và Sciences Po (Pháp)
Cựu học sinh tại trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam
▶️ ĐĂNG KÝ NHẬN BUỔI TƯ VẤN DU HỌC MIỄN PHÍ TẠI: https://bit.ly/mora_free_consulting
———————-
🌐 MoraNow – nền tảng online kết nối học sinh Việt Nam và các du học sinh Mỹ đi trước
📖 Khám phá danh sách cố vấn và đặt lịch hẹn ngay bây giờ tại: https://bit.ly/mora_200628
🤝 Trở thành Đối tác Cố vấn trên Mora: https://bit.ly/mora_200628_counselor